Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Những nô lệ của… màn hình

People-Staring-At-Phones

Hôm trước Tết, trong chuyến đi công tác ở Malaysia, khi chụp ảnh wefie làm thủ tục check-in “cúng” Facebook, cả nhóm hơn 10 người chúng tôi giựt mình khi nhìn thấy trong ảnh ai cũng đều dán mắt vào những chiếc điện thoại của mình. Trước đó không lâu, tôi cũng đã chụp được ảnh gần hết hành khách trên toa tàu điện ngầm ở Singapore đang chuyên tâm làm chuyên môn với các thiết bị di động của họ.

151210-singapore-nvidia-ssn5-010

Trên một toa tàu điện ngầm tại Singapore ngày 10-12-2015. (Ảnh: PHP)

Đó là chuyện xứ người. Còn ở Việt Nam, hầu như bước vào một quán cà phê nào, bạn cũng có thể nhìn thấy cảnh người ta đang cắm mặt vào những chiếc màn hình nhỏ xíu.

Nói là quán cà phê cho nó cụ thể thôi, chứ ở bất cứ nơi công cộng nào, bạn đều dễ dàng nhìn thấy nhiều người đang trói cuộc sống của mình vào những chiếc smartphone, tablet như vậy.

Cách đây ba bốn năm, các quán cà phê có Wi-Fi chủ yếu là nơi để người ta xách laptop ra ngồi làm việc hay tám với thiên hạ. Còn ngày nay, đó là địa bàn hoạt động của các thiết bị di động. Có một sự thay đổi lớn về mục đích sử dụng. Trước đây, người ta cắm cúi nhìn vào màn hình (laptop) để làm việc; còn bây giờ, hầu hết những người đang mê mải với chiếc màn hình (smartphone) là để lướt các mạng xã hội, chủ yếu là Facebook.

 

NGƯỜI NGƯỜI, NƠI NƠI CÙNG LÊN MẠNG

two-ipads-two-kids

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Có hai nhân tố chính khiến cho đạo quân nô lệ của màn hình di động ngày càng đông hơn… quân Nguyên!

Đầu tiên là sự phổ dụng của smartphone và tablet gia tăng quá nhanh do sự phong phú và đa dạng của các chủng loại thiết bị kết hợp với giá bán ngày càng rẻ. Thậm chí có thể nói rằng, vào đầu năm 2016 này, chỉ cần muốn là hầu như ai cũng có thể tậu cho mình một chiếc smartphone. Chẳng hạn như chiếc smartphone Philips S307 màn hình 4 inch chạy hệ điều hành Android 4.4 chỉ có 1 triệu đồng. Đó là hàng hiệu chính hãng đàng hoàng, chứ hàng “tàu” thì còn rẻ hơn nhiều. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu Thị trường IDC Việt Nam, trong quý 2-2015, lần đầu tiên số lượng smartphone bán ra ở Việt Nam vượt qua cả điện thoại di động thông thường (hay gọi là điện thoại chức năng, feature phone), chiếm 51% thị trường điện thoại di động. Hồi cuối năm 2015, một thống kê của Google cho biết bình quân mỗi người dùng di động Việt Nam sở hữu 1,4 thiết bị. Chuyện “hai tay hai súng” giờ xưa rồi Diễm, không ít người còn thêm “mỗi chân một súng” nữa.

Thứ hai là sự phổ cập của kết nối Internet. Tốc độ có thể chưa phải ngon, nhưng về độ phủ rộng và tính có sẵn thì mạng Internet ở Việt Nam là thuộc “hàng top thế giới”. Nơi nào không có cáp mạng kéo đến thì đã có các mạng 3G phủ sóng. Ngay tới hang cùng ngõ hẻm, thôn xóm xa xôi cũng có thể truy cập Internet. Mà hễ có Internet là người ta có thể ngao du các mạng truyền thông xã hội. Giá cước Internet cũng rất đa dạng các gói để cho ai cũng có thể xài.

 

NHỮNG NỖ LỰC GIẢI CỨU KHỎI… MÀN HÌNH

DoMoreWatchLessTogether

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Việc có thêm nhiều người sử dụng thiết bị di động là một điểm cộng trong nỗ lực phát triển xã hội tiến bộ. Nhưng việc ngày càng có thêm nhiều người bị lậm thiết bị di động lại là một điểm trừ cho cố gắng xây dựng xã hội lành mạnh. Đáng buồn là hội chứng nghiện màn hình là một thực tế và đang có xu hướng gia tăng.

Trên trang web chuyên về tâm lý học Psychology Today, nữ Tiến sĩ y khoa Victoria L. Dunckley đã gọi những tác hại do việc sử dụng quá lâu màn hình là “hội chứng màn hình điện tử” (Electronic Screen Syndrome) và coi đó là một loại “rối loạn tâm thần thời hiện đại không được công nhận”. Bà cũng nói rằng có mối liên quan giữa thời gian ở trước màn hình với các chứng rối loạn tâm lý, tâm thần của trẻ em. Ảnh hưởng của công nghệ đối với hệ thần kinh là ảnh hưởng đa nhân tố (multifactorial).

Có lẽ tới bây giờ không ai còn tranh cãi về chuyện dán mắt quá lâu trước các màn hình có hại cho đôi mắt và bộ não con người. Có tranh cãi thêm chỉ là về mức độ tác hại và cách để giảm bớt nó.

Ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, từ lâu nay, người ta vẫn đang khởi xướng những hình thức vận động mọi người giảm bớt thời gian ở trước các màn hình thiết bị để dành nhiều thời gian hơn cho mối quan hệ giữa người với người. Nói nôm na là rời khỏi thế giới ảo để trở về cuộc sống thật. Có những cuộc vận động hay dự án cộng đồng như “screen-free week” (tuần không màn hình) diễn ra hàng năm. Có những câu khẩu hiệu gợi nhiều suy nghĩ như “Do more, watch less… together!” (làm nhiều hơn, xem ít hơn, chơi với nhau).

Nghĩ cũng là ngược đời. Trước đây, các nhà hàng, quán cà phê đua nhau trang bị hệ thống Wi-Fi để cạnh tranh và thu hút khách hàng. Bây giờ, ngày càng có thêm nhiều quán xá ở Mỹ cắt Wi-Fi, thậm chí treo biển cấm sử dụng các thiết bị có màn hình. Có một ông chủ tiệm cà phê nói rằng mình phát bệnh khi nhìn thấy cảnh những đôi bạn vào quán rồi mạnh người nào người nấy cắm mắt vào màn hình thiết bị của mình. Vì thế, ông quyết định treo bảng cấm dùng thiết bị có màn hình với hy vọng người ta có thể giao tiếp trực tiếp với nhau trong cuộc sống thật.

Nói thiệt, chỉ có những ai chán sống hay cần “gạch đá để xây nhà” mới ngu ngơ phán rằng mạng truyền thông xã hội là lợi bất cập hại. Nhưng ai cũng phải thừa nhận một trong những mặt trái của mạng xã hội là nó có thể giúp mở rộng vòng tay bạn ảo, nhưng lại dễ khiến giảm bớt các mối quan hệ thật.

Thuốc bổ mà lạm dụng vẫn gây nguy hại kia mà, huống chi những chiếc màn hình thiết bị.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Nguồn ảnh trên tít: Internet. Thanks.)

+ Bài này đã được in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 21-2 và trên báo Pháp Luật TP Online.