Thứ Hai ngày 14 tháng 10 năm 2024

Lời ai điếu cho một cụ cầu 112 tuổi….

caughenh-bienhoa-02

Một đoàn xe lửa đang chạy qua cầu Ghềnh. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

 

Một nạn nhân mới, và gây chấn động nhất từ đầu năm 2016 tới nay, của cuộc chiến tai nạn giao thông ở Việt Nam (năm 2015 tuy có giảm so với 2 năm trước nhưng cũng đã cướp đi mạng sống của 8.670 người), và đặc biệt là 3-trong-1 thuộc cả ba binh chủng đường bộ – đường sắt – đường thủy) đã tử nạn lúc gần chính ngọ ngày 20-3-2016 (nhằm ngày 12-2 năm Bính Thân) tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), thọ 112 tuổi.

 

CỰC KỲ XÁO TRỘN KHI MỘT CÂY CẦU TỬ NẠN

Tên của nạn nhân giao thông mới này đã được công bố trện tất cả các phương tiên truyền thông đại chúng là… cầu Ghềnh, bắc qua sông Đồng Nai. Cây cầu sắt đặc trưng của Pháp theo kiến trúc Gothic này đã được Pháp khởi công năm 1901 và khánh thành năm 1904 nằm trên huyết mạch giao thông đường bộ Quốc lộ 1 và đường sắt Sài Gòn – Nha Trang. Trải qua bao mưa gió, nắng nôi, biến thiên của lịch sử, sống sót ngoan cường qua cả hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cây cầu không bị trầy xước bởi bom đạn mà phải chịu tử nạn trong năm hòa bình thứ 41 chỉ vì lỗi của một… gã tài công tàu kéo sà lan.

Thế là, cầu Ghềnh đã tử nạn giao thông. Chúng ta không chỉ mất đi một di tích lịch sử đang ngày càng hiếm hoi dần đi bởi sức mạnh hủy hoại cấp 1 của thời gian và cấp 10 của con người, mà còn bị cắt đứt cả một đoạn đường sắt gây hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế lẫn cuộc sống người dân. Mọi thứ xáo trộn từ cái chết của một cây cầu huyết mạch. Từ nay cho tới khi khắc phục được hậu quả (Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường dự kiến phải mất từ 3 tới 5 tháng), người Sài Gòn không còn được nhìn thấy xe lửa nữa. Hai nhà ga Sài Gòn và Sóng Thần buồn hiu hắt. Tuyến đường sắt Bắc – Nam sẽ dùng ga Biên Hòa làm điểm khởi hành từ Nam ra và điểm đến cuối cùng từ Bắc vào.

caughenh-bienhoa-01

Cầu Ghềnh sau khi bị sà lan đâm sập. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

“KÉO” HAY “ĐẨY”?

Đọc trên báo Tuổi Trẻ sáng 21-3-2016, người ta đã nhận ra một sự bất nhất trong chữ nghĩa khi với “hung thủ” giết cầu Ghềnh có người gọi là “tàu đẩy sà lan”, có kẻ kêu là “tàu kéo sà lan”.

Một nhân chứng nhìn tận mắt tại chỗ là ông Nguyễn Đức Thắng (Tư Thành) 62 tuổi đang ngồi cho đứa cháu ăn trưa dưới chân cầu Ghềnh thuật rằng ông nhìn thấy chiếc tàu nhỏ đẩy chiếc sà lan và đã vượt lên chạy song song với sà lan khi chỉ còn cách chân cầu ít mét. Đại tá Bùi Hữu Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trong cuộc họp với Bộ GTVT gọi đó là “tàu đẩy sà lan”.

Trong khi đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam trong báo cáo gửi Bộ GTVT đã xác định đó là “tàu kéo sà lan”.

Tất nhiên trong thực tế, với sà lan không tự hành, người ta vẫn dùng tàu kéo chạy phía trước dòng dây kéo một hay nhiều chiếc sà lan phía sau. Phải chăng khi chạy từ phía cầu Đồng Nai về hướng cầu Ghềnh, chiếc tàu kéo đó đã làm chức năng một tàu đẩy, ít nhất là lúc gần qua cầu? Còn vì sao sà lan chở nặng cát này lại lao vào chân cầu là chuyện phải làm rõ của cơ quan điều tra.

caughenh-bienhoa-03

Cầu Ghềnh về đêm. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

Thôi thì một lời ai điếu cho ông cụ cầu Ghềnh. Chỉ thương cho cụ có thể chết oan uổng và lãng phí nếu như chỉ sau 49 ngày, cái chết của cụ cầu Ghềnh lại bị nhanh chóng quên đi khi mà cái chuồng bò (*) vẫn còn nằm trong ý nghĩ.

Xin mời đọc thêm trên báo Tuổi Trẻ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(*) Lời khuyến cáo của cha ông từ ngàn xưa: “Mất bò mới lo làm chuồng”.

Xin mời xem video quay lúc một đoàn tàu chạy qua Cầu Ghềnh: