Thứ Ba ngày 08 tháng 10 năm 2024

Ngày thứ Hai với nỗi đau buồn nhân đôi của người Mỹ

 

Sáng thứ Hai 11-9-2017 là một ngày rất đặc biệt của người Mỹ. Ít nhất là với hơn 321 triệu người có quốc tịch Mỹ. Bởi nó là một ngày đau buồn gấp đôi Double-sad.

Nước Mỹ vừa trải qua một cuối tuần kinh hoàng với siêu bão Irma – trận bão Đại Tây Dương mạnh nhất từ trước tới nay – đổ bộ thẳng vào miền nam Florida ngày Chủ nhật 10-9-2017 rồi làm một chuyến hành trình hành hạ băng qua bang này lên phía Bắc vào sáng 11-9. Nguyên buổi sáng đầu tuần này, toàn bộ bang Florida có nickname là “Bang ánh nắng” (Sunshine State) với hơn 20 triệu cư dân chính thức khóc và than với bão Irma, hầu như không chừa một ai mà không phải nếm mùi.

Lễ tưởng niệm sự kiện 9-11 diễn ra tại khu Ground Zero ở New York City sáng 11-9-2017. Đại diện gia đình các nạn nhân đọc tên các nạn nhân.

Và cũng chính trong ngày thứ Hai này, cả nước Mỹ và hàng chục nước khác tưởng niệm lần thứ 16 của thảm kịch tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở thành phố New York làm 2.997người (2.978 nạn nhân + 19 tên không tặc) chết thảm. Trong tổng số 2.605 công dân Mỹ thiệt mạng, có tới 2.135 người là thường dân. Có 372 người (không thèm tính bọn không tặc) là người nước khác (hơn 90 quốc tịch). Có 6.000 người khác bị thương. Đây là vụ chết chóc lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đối với ngành cứu hỏa (343 người) và cảnh sát (72 người). Tất cả hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, hầu hết là trong nỗ lực cứu hộ. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tài sản ít nhất là 10 tỷ USD.

Tòa tháp đôi World Trade Center (WTC) bị bọn khủng bố Arập Hồi giáo cướp máy bay đâm vào biến thành bình địa khi có hàng ngàn người bên trong. Chỉ trong vòng 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp đôi cao 110 tầng đã sụp đổ thành gạch vụn. Tổng cộng có 2.606 người ở trong tòa tháp WTC và khu vực chung quanh đã bị thiệt mạng. Có ít nhất 200 người chết vì rơi hay nhảy ra khỏi hai tòa tháp.

4 chuyến bay hành khách của 2 hãng hàng không Mỹ United Airlines và American Airlines cùng xuất phát từ các sân bay ở đông bắc Hoa Kỳ bay về bang California đã bị 19 tên không tặc thuộc tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda cướp làm “bom bay”. Chuyến bay UA 175 (máy bay Boeing 767–222) với 56 hành khách (bao gồm 5 tên không tặc) và 9 nhân viên phi hành. Chuyến bay UA 73 (máy bay Boeing 757–222) với 37 hành khách (bao gồm 4 tên không tặc) và 7 nhân viên phi hành. Chuyến bay AA 11 (máy bay Boeing 767-223ER) với 81 hành khách (bao gồm 5 tên không tặc) và 11 nhân viên phi hành). Chuyến bay AA 77 (máy bay Boeing 757-223) với 58 hành khách (bao gồm 5 tên không tặc) và 6 nhân viên phi hành. Chuyến bay AA 11 đâm vào tháp North Tower (Tower 1) của WTC lúc 8g46ph30gi EDT và chuyến bay UA 175 đâm vào tháp South Tower (Tower 2) của WTC lúc 9g03ph02gi EDT. Chuyến bay A 77 đâm vào cánh tây của Lầu Năm góc lúc 9g37ph46gi EDT. Chuyến bay AA 73 trong khi đang bị cướp để bay về hướng thủ đô Washington DC đã bị hành khách và đội bay phản ứng chống lại bọn không tặc rồi máy bay đâm xuống một cánh đồng tại Hạt Somerset County, bang Pennsylvania lúc 10g03ph11gi. Tổng cộng 265 người trên 4 chuyến bay định mệnh đó, không một ai sống sót.

19 tên không tặc đều là người nước ngoài, gồm Saudi Arabia (15), United Arab Emirates (2), Ai Cập 1), và Lebanon (1).

Vấn đề đáng nói hơn nữa là sau thảm kịch 9-11-2001, nước Mỹ đã ra tay báo thù khởi động cuộc chiến chống khủng bố quóc tế trên toàn thế giới, mà nghiêm trọng nhất là hai cuộc chiến ở Afghanistan (từ 7-10-2001 đến nay) và Iraq (từ 20-3-2003 đến 18-12-2011). Vô số người đã chết.

Tôi đến Mỹ lần đầu tiên đúng chóc ngày 11-9-2010. Mãi tới khi ra chỗ cầu Cổng Vàng Golden Gate ở San Francisco, nhìn thấy cờ Mỹ treo rũ một nửa thân cột, tôi mới giựt mình nhớ tới sự kiện này.

Và đúng 16 năm sau thảm kịch 11-9-2001, trong thời điểm cả nước Mỹ tưởng niệm hơn 2.978 nạn nhân, người Mỹ lại gánh chịu những nỗi thống khổ của thiên tai với siêu bão Irma. Như Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận xét, nước Mỹ đã có được “một chút may mắn” khi bão Irma giảm cường độ lúc đổ bộ vào Mỹ. Từ lúc mạnh nhất ban đầu tới cấp Category 5 (sức gió 185mph) khi ở khu vực biển Caribbean, nó đã giảm còn Category 4 (130mph) khi bắt đầu đổ bộ vào lãnh thổ Mỹ ở quần đảo The Florida Keys rồi sau đó giảm mạnh xuống còn Category 2 (110mph) và lúc vào đất liền ở khu vực Tampa chỉ còn Category 1 (85mph).

Bão Irma ra đời ngày 30-8-2017 gần quần đảo Cape Verde Islands từ một làn sóng nhiệt đới (tropical wave) rời khỏi vùng duyên hải phía tây châu Phi 2 ngày trước đó. Từ ngày 9-9, nó bắt đầu càn quét hàng loạt đảo ở Caribbean cho lên bờ xuống ruộng. Nhiều nơi sau khi nó càn qua chỉ còn là bình địa và đổ nát.

Tổng cộng cho tới nay, bão Irma giết chết 21 người ở vùng Caribbean. Còn ở Mỹ, sau khi đổ bộ vào sáng sớm 10-9, nó đã giết chết ít nhất 5 người ở Florida. Đó là con số ghi nhận được. Sáng 11-9-2017, báo Anh Daily Mail cho biết lực lượng cứu hộ thừa nhận họ không thể biết được có bao nhêu người đã chết vì Irma và đang lo ngại sẽ xảy ra “khủng hoảng nhân đạo” (humanitarian crisis).

Thiệt hại về vật chất ở bang Florida không cần nói cũng biết là cực kỳ nặng nề. Đài truyền hình CNN sáng sớm 11-9-2017 đưa ra con số ước tính 65 tỷ USD. Tiến sĩ Dr. Joel N. Myers, nhà sáng lập, chủ tịch và CEO của hãng dự báo thời tiết AccuWeather, tối 10-9 đưa ra dự đoán là thiệt hại mà bão Irma gây ra cho nước Mỹ khoảng 100 tỷ USD. Con số này bằng 0,5% GDP của Mỹ (19.000 tỷ USD). Trong khi đó, siêu bão Harvey đổ bộ vào bang Texas ngày 25-8-2017 được cho là thiên tai đắt giá nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, ước gây thiệt hại 190 tỷ USD. Như vậy, theo ước tính của AccuWeather, chỉ với hai siêu bão Harvey và Irma cặp kè nhau, Hoa Kỳ mất tiêu 1,5% GDP của mình. Chỉ tự an ủi theo lời nhà tỷ phú đầu tiên trở thành Tổng thống Mỹ Donald Trump mới nói ngày 10-9-2017, tiền có thể kiếm lại được, tài sản có thể thay thế được, chỉ có sinh mạng con người mới là vô giá.

PHẠM HỒNG PHƯỚC