Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thưa bà tiến sĩ, tôi tự hào thuộc “cái đám quần chúng không hiểu gì cả”…

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Thú thiệt là tôi không tin khi sáng nay thấy bạn bè chia sẻ về một phát ngôn “sốc” mới nhất của một người đàn bà được nói là tiến sĩ khoa học ngữ văn. Và khi đã xem bản video của chương trình Café Sáng với VTV3 phát sáng 28-11-2017, tôi vẫn tưởng mình nghe lầm, phải tua tới tua lui. Chưa an tâm, tôi tìm xem một loạt bản video đó của những người khác nhau đã đưa lên Internet.

Và quả thật ly cà phê sáng thiệt là chát đắng. Tôi đã lặng cả người đi khi nghe từ miệng người đàn bà là một trong hai khách mời sáng qua trên VTV3 những lời (nguyên văn) này: “một cái đám quần chúng không hiểu gì cả ào ào vào ném đá”.

Cụ thể, “cái đám quần chúng” là cụm từ mà bà này dùng để gọi những người đã phản đối, chê bai cái dự án thay đổi cách viết tiếng Việt của một ông phó giáo sư tiến sĩ – người cũng được VTV3 mời ngồi chung một ghế sofa ngay bên cạnh bà tiến sĩ này.

Tất nhiên, ai cũng có quyền biểu đạt ý kiến của mình (gọi là tự do ngôn luận), đặc biệt là trên những mạng truyền thông xã hội như Facebook. Bản thân mình, tôi không hoàn toàn đồng ý với cái được tác giả giới thiệu là “một công trình nghiên cứu dài tới 20 năm” kia. Nói gọn là tôi phản đối, phản đối tới cùng. Nhưng tôi không lợi dụng quyền tự do ngôn luận của mình để nhục mạ, chửi bới, xúc phạm, làm tổn thương tới người khác. Phản đối hoàn toàn không phải là nhục mạ. Ai có thể thì nói lý lẽ, giải thích đúng sai thế nào; ai không có điều kiện thì chỉ đơn giản gõ lên 3 chữ “Tôi phản đối”. Vậy là đủ. Phản biện là để giúp hoàn thiện và đi tới chân lý hay loại bỏ. Nhục mạ là cả hai cùng kéo nhau xuống “vũng lầy của chúng ta”.  

Dù sao, một khi ta xác định mình có quyền tự do ăn nói thì cũng phải công nhận quyền tự do ăn nói của người khác.

Dù sao ông ấy cũng đã 83 tuổi, đáng tuổi cha ông của tôi. Ngay tới pháp luật cũng còn coi tuổi cao như một trong những tình tiết giảm khinh kia mà. (Ở đây tôi không nói tới trường hợp ỷ già mà làm bậy).

Như một thái độ không đồng tình, tôi không để trên trang nhà của mình xuất hiện những chữ nghĩa được biến tấu từ cách viết mà ông tiến sĩ kia nghĩ ra. Tôi càng không gọi đó là “tiếng Việt mới”, bởi có ai công nhận chính thức như vậy đâu.

Trong những ngày qua, tôi đã cất công đọc kỹ nhiều ý kiến phản đối hay ủng hộ cái mà ông tiến sĩ kia nghĩ ra. Chúng bổ sung cho tôi rất nhiều kiến thức, nhất là khi tôi chỉ là một kẻ ngoại đạo với ngôn ngữ học.

Những tưởng cái chuyện mà một nữ phó giáo sư – tiến sĩ chuyên ngành văn học nói với tôi là “lãng nhách” này đã lắng xuống để cả cộng đồng có thể tập trung vào biết bao vụ việc nhức nhối toàn tập, bức xúc xích hơn đang diễn ra chung quanh mình và trong xã hội của mình. Dè đâu sáng qua các đồng nghiệp của tôi ở VTV3 lại lôi nó sống lại (không biết có liên quan chi tới series phim kinh dị truyền hình The Walking Dead đang chiếu những tập đầu của mùa thứ 8). Chẳng biết vô tình hay ủ mưu chi mà các bạn ấy lại xếp 2 vị tiến sĩ này ngồi chung với nhau, kẻ xướng người họa. Người đàn bà có học vị tiến sĩ kia thì lâu nay đã có những phen làm dậy sóng mạng vì những phát ngôn “sốc” của bà. Còn ông tiến sĩ này thì đang ngồi trong chảo lửa. Thiệt tình, chỉ cần nhìn thấy họ ngồi bên nhau xuất hiện trên truyền hình là đủ để gạch đá tiếp tục bay như mưa rồi chứ chẳng cần họ phải mở miệng nói ra gì nữa.

Tôi xem video mà thấy cảm thương cho ông tiến sĩ “gạch đá” kia. Hỗm rày ngồi một mình đã muốn lên máu, bây giờ trớ trêu lại bị ngồi chung ghế với một tiến sĩ “gạch đá” khác.

Công bằng mà ghi nhận, không phải tất cả những gì người đàn bà có bằng tiến sĩ kia nói ra đều sai bậy. Nhưng núi lửa Agung ở Bali (Indonesia) đã thực sự phun trào khi bà này gọi những người phản đối (có thể là theo cách cực đoan, quá khích) người ngồi bên cạnh mình một cách coi thường mục hạ vô nhân là “cái đám quần chúng không hiểu gì cả”. Giàng ơi, chẳng lẽ bà không biết là trong số những người đã lên tiếng phản đối có cả những giáo sư, tiến sĩ có uy tín và đúng chuyên ngành ngôn ngữ học, những người mà bà phải gọi là thầy là cô.

Còn nhớ cũng trong chương trình Café Sáng với VTV3 ngày 23-9-2016, khi trao đổi về chủ đề “vạ miệng” ngoài cuộc sống cũng như trên mạng xã hội, người đàn bà có bằng tiến sĩ này đã có một tuyên bố “sốc” rằng: “một nghiên cứu chỉ ra 50% trên Facebook là vô công rồi nghề”. Vậy là chỉ trong vài nốt nhạc, bà đã hứng gạch đá từ cộng đồng Facebook mà có lẽ dư sức xây “biệt phủ”.

Sáng nay có người thắc mắc là nếu chê những người vô Facebook là “vô công rồi nghề”, chẳng lẽ rốt cuộc bà cũng vậy nên mới biết cộng đồng Facebook đang ném đá người bạn đồng ghế với mình. Tôi không dám suy nghĩ sâu sắc vậy, mà nghĩ rằng có lẽ do bà không vào Facebook nên không biết rõ thiên hạ nói những gì.

Tôi có nhỏ mọn cũng không tới mức rình mò bắt bẻ từng lỗi vặt, từng lời ăn tiếng nói lúc lỡ lời, sơ ý của người khác. Càng không bao giờ mất giá như vậy với phụ nữ.

Một lần thì có thể gọi là “vạ miệng”, là “tai nạn nghề nghiệp”. Nhưng lần thứ hai rồi tiếp tục thì chỉ có thể gọi là “nền tảng”.

Buồn như con chuồn chuồn kéo theo con gián thấy mà bắt chán!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.