Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Người Việt đồng bào

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Từ hồi còn nhỏ xíu xiu, tôi đã được nghe hàng năm rồi nhập tâm luôn cái câu ca dao:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ Mùng Mười tháng Ba.

Nó luôn nhắc tôi dù ở nơi đâu, dù giữa môi trường nào, cho dù tệ hại tới mấy, mình có Tổ phụ là Vua Hùng.

Người ta có thể từ bỏ quốc tịch, nhưng không thể nào phủ nhận tổ tiên của mình. Và chừng nào còn nghĩ mình gốc Việt, ta vẫn còn là con cháu Hùng Vương.

Đền Hùng và logo của trang chủ Google ngày 25-4-2018 (Mùng 10 tháng Ba năm Mậu Tuất) đã được thay đổi với Doogles mừng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương của người Việt. (Ảnh: Internet. Thanks)

Có lẽ người Việt là dân tộc duy nhất trên hành tinh này gọi nhau bằng hai chữ “đồng bào” (cùng bào thai). Nó xuất phát từ truyền thuyết Mẹ Âu Cơ đẻ ra một cái bọc (bào thai) có 100 quả trứng nở thành 100 đứa con trai. Đó là lý do, ta chỉ nên dùng chữ “đồng bào” cho người Việt. Em Trinh và các đồng bào của mình, Nàng Melania và các đồng hương của mình. Đồng bào Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ.

Lạc Long Quân và Âu Cơ là tổ phụ tổ mẫu của dân tộc Việt, nhưng không phải là Hùng Vương đầu tiên. Thời đại Hùng Vương bắt đầu từ Kinh Dương Vương (Lộc Tục) khởi sự từ năm 2879 trước Công nguyên kéo dài 2.622 năm tới năm 258 TCN thì bị mất vào tay An Dương Vương (Thục Phán). Lạc Long Quân (con Kinh Dương Vương) là đời Hùng Vương thứ hai (Hùng Hiền Vương). Hùng Vương là một niên hiệu chung cho cả thời Hùng Vương, được ghi là có 18 đời, mỗi đời có nhiều vị vua nối tiếp nhau cai quản nước Văn Lang. Vậy nên, là đời con cháu hiện nay sống cách thời dựng nước tới 2.879 + 2018 = 4.897 năm, ta chớ nên thắc mắc chi “Vua Hùng họ gì?” hay “ta là hậu duệ của quả trứng số mấy?”

Lịch sử Việt Nam mình quả là rối rắm, chằng chịt và phức tạp. Cho tới nay, gần 5.000 năm sau ngày dựng nước, con cháu vẫn còn rất mù mờ về thời khai quốc của mình. Mà mù mờ thì phải tìm hiểu, mà tìm hiểu thì có nhiều kết quả khác nhau, mà nhiều kết quả thì gây tranh cãi, nhất là khi ta có cái “khí chất” chỉ có mình ta là đúng nhất. Định mệnh khi tổ phụ tổ mẫu ta có tới 100 trứng sinh ra 100 phái dẫn tới 100 ý kiến khác nhau.

Bà Âu Cơ là con gái của Đế Lai (hay còn gọi là Đế Ai) – anh họ, con bác ruột của Lạc Long Quân. Có nghĩa bà chính là cháu gái gọi Lạc Long Quân là chú họ. Càng thêm rối rắm ở chỗ cha của Đế Lai (tức Đế Minh cai quản phương bắc) và cha của Lạc Long Quân (tức Lộc Tục cai quản phương nam) là hai anh em cùng cha khác mẹ. Nhưng nói gọn là Lạc Long Quân đã kết hôn với con gái của anh họ mình. Có lẽ đó là chuyện bình thường ở thời thượng cổ, nhưng biết đâu đó cũng là một định mệnh dân tộc.   

Sau khi sống với Lạc Long Quân một năm, bà Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sinh ra trăm con trai anh dũng phi thường. Bà Âu Cơ sống ở phương nam nhưng có ông bà cha mẹ ở phương bắc, nên rồi sinh nỗi nhớ nhà. Vậy là Lạc Long Quân chủ động đưa ra đề nghị chia tay nhau với lý lẽ: “Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp mà lại có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt.” (theo Wikipedia). Rồi Lạc Long Quân cũng chủ động chia con theo nguyên tắc 50/50 với lời giao ước “dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe không được bỏ nhau”. Sau khi 50 người con theo Lạc Long Quân về vùng biển, bà Âu Cơ cùng 50 người con còn lại sống ở đất Phong Châu và lập người con trưởng lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương.

Như vậy, định mệnh đã gán cho dân tộc Việt ngay từ đầu là phải chia ly: ly hôn và tha hương. Lạc Long Quân và Âu Cơ chính là cuộc thuận tình ly hôn đầu tiên và lớn nhất của người Việt. Cái huông đó kéo dài cho tới nhiều ngàn năm sau.

Thực tế là ngày hôm nay, dân tộc Việt đang rải rác phân tán khắp năm châu bốn biển với nhiều lý do khác nhau. Hiện nay, số người Việt định cư ở nước ngoài lên tới khoảng 5 triệu người, có mặt tại hơn 187 quốc gia và vùng lãnh thổ, đông nhất là ở Mỹ. Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UNDESA), từ năm 1990 đến năm 2015, đã có 2.558.678 người Việt Nam di cư từ Việt Nam ra nước ngoài.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày quốc giỗ chung của tất cả người Việt, bất kể tôn giáo, chính trị, phe này phái kia, đang sống ở nước trong nước ngoài. Giá trị tinh thần cao nhất mà ngày quốc giỗ mang lại là ý thức đồng bào cùng chung nguồn cội và càng tăng cường thêm tình đoàn kết gắn bó với nhau vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt.

Chắc hẳn tổ phụ tổ mẫu Lạc Long Quân – Âu Cơ phải ngậm ngùi ca liên khúc Định Mệnh – Duyên Phận khi thấy tình cảnh con cháu mình xong đám giỗ Tổ thù tạc chén chú chén anh với nhau rồi đường ai nấy đi… 43 năm rồi mà…vẫn…

PHẠM HỒNG PHƯỚC