Thứ Ba ngày 23 tháng 4 năm 2024

Xin buông tha cho các em đó…

  1. Ước gì tụi mình đừng công khai tên tuổi, hình ảnh các con em, cháu chắt trong vụ nâng điểm kịch khung kia. Suy cho cùng, họ là nạn nhân của những người lớn – hoặc phụ huynh của mình. Họ còn có tương lai riêng của họ. Ai làm sai, người đó chịu. Tôi kinh hãi khi nghĩ tới hiện thực những bạn trẻ 18 tuổi đó ắt phải khổ tâm, đau lòng ra sao khi có phụ huynh như vậy. Ở đây, tôi không nói rằng họ đau lòng khi là con em của những người đó. Cách nghĩ ly khai như vậy là bất hiếu, là bất nghĩa.
  2. Tương tự như vậy, tôi cũng ước gì bọn mình đừng bêu riếu cả tỉnh Hà Giang. Cán bộ chính quyền của Hà Giang làm điều phi pháp chớ tỉnh Hà Giang không có lỗi. Chỉ có 114 gia đình phải chịu trách nhiệm chớ không phải toàn bộ hơn 800.000 người dân Hà Giang. Người dân Hà Giang phải biết nhục nhã về vụ này, nhưng chỉ với tư cách một cư dân cộng đồng trách nhiệm, chớ không phải là người có lỗi, và càng không thể bị quy là người xấu.
  3. Tôi không tin rằng chỉ mình ên một ông phó phòng – dù của chính sở – lại là siêu nhân có thể làm được mission đó một thân một mình.
  4. Tôi cũng không tin chuyện này mới xảy ra. Vì thế tôi không like cách gọi đây là “vụ chưa từng có”. Chính xác phải là “vụ lớn nhất đầu tiên được phát hiện”.
  5. Tôi cũng không tin chuyện này là đặc sản của Hà Giang, chỉ có ở tỉnh nhỏ vùng núi biên giới cực Bắc, nơi người Kinh chỉ chiếm 13% trong hơn 800.000 dân.

Trên Facebook, một số bạn có ý kiến nói rằng không thể nương tay cho các em học sinh này và các em đó phải chịu trách nhiệm về việc này. Và sau đây là một số trả lời thêm của tôi:

  • Tôi không hề nói các bạn 18 tuổi đó không phải chịu trách nhiệm. Tôi chỉ ƯỚC GÌ đừng ai nêu danh tánh và trực tiếp ném đá các bạn ấy. Trong vụ này, khi cơ quan điều tra làm rõ, các phụ huynh nào có liên quan ắt phải bị xử lý theo pháp luật. Chắc chắn pháp luật không thể nào quy trách nhiệm đối với các học sinh này. Trường hợp này khác với gian lận thi cử do chính thí sinh thực hiện. Chuyện không đồng tình hay ủng hộ chuyện tiêu cực, việc xấu này, theo thiển ý của tôi, không đồng nghĩa với việc hạ nhục các bạn trẻ đó. Răn đe, dạy dỗ là cần, nhưng khác với hành hạ phải không các bạn?
  • Nào có ai không ủng hộ việc làm chặt đâu. Phải làm tới nơi tới chốn chứ để sau này không tái diễn. Tôi nghe có chuyên viên giáo dục nói rằng có một số nhà chuyên môn từ mấy năm trước đã phát hiện lỗ hổng trong quy trình thi cử mà ở đây ông Lương lợi dụng. Họ đã báo cáo bộ từ lâu mà kg có chấn chỉnh. Xử lý vụ này còn là để tạo công bằng cho các thí sinh khi xét tuyển vào đại học.
  • Vụ nào ra vụ đó. Trong vụ này, khi cơ quan điều tra làm rõ được thì các phụ huynh có liên quan ắt bị xử lý theo pháp luật. Nhưng tôi nghĩ rằng không có quan tòa nào xử các em học sinh này đâu. Cái này nó khác gian lận thi cử do chính thí sinh trực tiếp phạm. Tôi cũng không hề nói các em đó không có trách nhiệm hay không cần răn đe, dạy dỗ cho việc làm sai trái và xấu này. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc ném đá, làm nhục các em đó. Mà thôi, tất cả chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi. Mọi người đều có thể công khai ý nghĩ của mình miễn nó không tổn hại người khác. Và một khi đã công khai ý nghĩ của mình, ta mặc nhiên chấp nhận nó được cả cộng đồng đánh giá (hỗng giao đánh phá nghen). Tôi luôn hiểu nhiều người đang có những bức xúc riêng. Ghét ghê vậy đó.
  • Chắc chắn không ai nói rằng các em ấy vô can, dù ít hay nhiều. Nếu pháp luật xét thấy các em đó phạm tội thì họ cứ phải xét xử. Nhưng đó là chuyện khác và hãy đợi tới lúc đó. Còn bây giờ, tôi chỉ ƯỚC GÌ tụi mình đừng lôi các em ấy ra bêu riếu, ném đá. Chỉ đơn giản vậy thôi mà và cũng chỉ giới hạn ở điều đó. Tôi chớ hề dám lên tiếng dạy dỗ chỉ bảo ai nên làm gì hết đó ạ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Tranh từ Internet. Thanks.