Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Luôn có những người THẦY như vậy…

Báo Tuổi Trẻ thứ Ba 7-8-2018 có bài vedette trang nhứt “Không gục ngã!” kể câu chuyện cô học trò nghèo Nguyễn Bảo Trang ở xứ Quảng Ngãi vừa trở thành sinh viên Đại học KHXH&NV TP.HCM. Trước khi vào nhập học, cô gái đã nhờ bạn bè vẽ chân dung những thầy cô đã cưu mang của mình để tặng họ thay lời tri ân.

Chính nhờ tấm lòng yêu người, yêu nghề mà những người THẦY (viết hoa) từ bậc THCS tới THPT đã bảo bọc, bảo vệ cô học trò vừa nghèo, vừa cô đơn (cha mất năm 2006, mẹ qua đời năm 2015) vượt qua được bao khó khăn, thử thách để hoàn tất chương trình học phổ thông, rồi đủ điểm vào đại học. Chẳng cần nói, ai cũng hiểu là thầy cô ở tỉnh nghèo lại miền Trung nữa chắc chắn không dư giả gì. Cũng chẳng cần nói, ai cũng hiểu rằng cái mà những thầy cô này giàu nhất chính là cái tình – tình NGƯỜI (viết hoa).

Để tôi chép lại một đoạn chat bùm bum giữa tôi và một anh bạn nhà giáo “bậc cao” (anh dạy trên phổ thông mà) sáng nay:  

+ Anh pốt: “Nếu niềm tin, công lý, sự trung thực bị chà đạp ở chính cái ngôi đền thiêng của nhiều thế hệ, ngôi đền giáo dục, thì…”

– Tôi còm: “Tui thì nghĩ: cái ngôi đền đó đã bị mần cho mất thiêng từ tám hoánh rồi anh. Nếu còn thiêng, đâu thể để xảy ra những nhơ nhuốc đó.”

+ “Dù sao lâu nay người lớn tự bảo “hãy cố tin người mà sống”, còn trẻ con thì bị bắt phải tin để nên người mà.”

– “Dạ. Quả thiệt đời nó như vậy. Mà cái gì đã phải cố tin hay bị ép tin thì bản thân ta đã hiểu là nó không đáng tin. Cái này gọi là cưỡng tin. Cái gì mà cưỡng, kể cả cưỡng hiếp, đều là xây nhà trên cát. Bác đừng cố cưỡng gì em nhé.”

Mấy bạn khác, cũng có người là nhà giáo “bậc cao” như anh bạn tham gia: “Anh nghĩ sao vậy. Họ có coi giáo dục là “đền thiêng” không?”; “Cái đền ấy giải thiêng lâu rồi anh ơi!”,…

Vậy nên, qua câu chuyện trên báo TT sáng nay, mà tôi tự nguyện dâng hiến lòng tin rằng (không hề bị cưỡng chi đâu) chung quanh ta vẫn có rất nhiều chuyện tương tự, càng thấy những thầy cô đó đáng kính trọng biết chừng nào. Họ chỉ làm trong ngành giáo đúng với nghề của mình, nhưng họ không bị đồng hóa với cái ngành đang bị những thế lực nào đó làm cho ngày càng tệ lậu hơn. Nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu, cũng như ngay cả trong một gia đình hầu như chẳng ai giống nhau.

Có lẽ chúng ta cũng nên phân biệt giữa nghề giáo và ngành giáo. Nghề giáo là một công việc thiêng liêng, thậm chí mang ý thiên chức, mà từ ngàn xưa đã được xếp chỉ đứng sau vua trong hệ thống xã hội (quân sư phụ). Còn ngành giáo là một bộ phận hợp thành của bộ máy chính quyền. Cán bộ giáo dục là quan chức của ngành giáo, không có nghĩa là nhà giáo của nghề giáo.

Thiệt ra, giữa một ngành giáo đang có quá nhiều bất cập và mảng đen, người ta càng thêm kính trọng hơn nữa những nhà giáo là những người THẦY đích thực. Và điều đáng mừng là những thầy cô này vẫn luôn hiện diện chung quanh ta, mà hầu hết là ẩn danh, thi ân bất cầu báo. Bản thân tôi cũng là một cái cây, tiếc là giờ háp quá rồi, được vun trồng bởi những người THẦY như vậy.

PHẠM HỒNG PHƯỚC