Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tôi tự giải cứu… hóa đơn điện

Tôi vừa thanh toán xong hóa đơn tiền điện kỳ tháng 5-2019 của nhà mình. Với lượng điện tiêu thụ 1.089kWh, tiền trả là 2.911.478 đồng.

Như vậy, so với số tiền phải trả của hóa đơn kỳ tháng 4-2019 là 3.278.591 đồng, tôi đã giảm được 367.113 đồng. Tôi gọi đây là mức giảm tiền điện “thực chất” chớ hỗng phải “viễn vông”, vì tất cả lượng điện kỳ tháng 5-2019 đều được tính theo giá điện mới tăng. (Tháng 4-2019 còn có một tuần đầu vẫn áp dụng mức giá cũ).

Vì sao giá điện tăng mà hóa đơn điện kỳ tháng 5-2019 của tôi vẫn có thể giảm được một số (ít hay nhiều tùy tâm trạng và cách nhìn)?

Nói theo cách nói của ngành điện là tháng 4 có số ngày ít hơn tháng 3 (dù chỉ 1 ngày). À há, bình quân một ngày trong tháng 4-2019, nhà tôi ngốn hết 36kWh, tính theo mức giá cao nhất là 2.927 đồng (chưa VAT) vị chi là 105.372 đồng – bắt nóng lạnh chưa?

Nhưng cái chính là trong tháng qua, sau khi phát hiện lượng điện tháng 3-2019 cao điểm nắng nóng tăng vọt một phát lên 1.216kWh (tăng thêm tới 512kWh so với tháng 2-2019), tôi đã nâng mức báo động cực cấp cho cả nhà kiểm soát kỹ chuyện xài điện.

Thiệt ra, do bị méo mó nghề nghiệp khoái test tùm lum tà la thứ, tôi đã check tới rà lui cái vụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện mới nhất này (từ 20-3-2019). Và tôi phải đau lòng mà thừa nhận rằng, sở dĩ tiền điện nhà tôi phải trả trong tháng 3-2019 (tức hóa đơn kỳ 4-2019) tăng hơn gấp đôi tháng trước (3.278.591 đồng so với 1.574.703 đồng) chủ yếu do xài điện quá hớp, và toàn bộ 512kWh vượt trội đó đều nằm trong 4 mức giá điện cao ngất Trường Sơn – từ 2.014 đồng tới 2.927 đồng/kWh. Tôi thử tính, nếu vẫn giữ mức tiêu thụ như tháng trước, quả thiệt, tổng số tiền điện của nhà tôi chỉ tăng khoảng 8,36% như EVN thông báo.

Biểu giá bán điện lũy tiến.
Bảng liệt kê và so sánh các bậc giá bán lẻ điện do Chủ tịch EVN cung cấp cho báo Tuổi Trẻ Online ngày 22-5-2019.
Mức tăng giá điện thực tế nếu như vẫn giữ nguyên lượng điện tiêu thụ.

Khi nghe có bạn la làng chói lọi tới mức cô bé “Vợ ba” (The Third Wife) mới 13 tuổi phải giựt mình nhảy ra khỏi rạp chiếu rằng EVN đã tăng giá điện vượt khung Thủ tướng cho phép, tôi đã phải tra cứu Quyết định 34/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ngày 25-7-2017 “Về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 – 2020”. Điều 1 ghi rằng: “Ban hành khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 – 2020 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau:

1. Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh;

2. Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.”

Như vậy, mức bán lẻ điện bình quân mới nhất của EVN vẫn không vượt khung quy định. Cụ thể, sau khi tăng lên từ ngày 20-3-2019, giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 là 1.864,04 đồng/kWh, tăng hơn 140 đồng so với mức bình quân năm 2018 là 1.720 đồng/kWh. Có lẽ có bạn đã nhầm lẫn giữa “mức giá cao nhất trong biểu giá điện lũy tiến” với “giá bán lẻ điện bình quân tối đa”. Tất nhiên, ở đây là mức do EVN công bố, còn nó hợp lý hay không lại là chuyện khác.

Thêm một tình tiết khác là lâu rồi EVN chưa tăng giá điện trong khi vạn vật chung quanh đều tăng giá tới ám ảnh. Theo thống kê, từ 2010 đến trước lần tăng mới nhất, Việt Nam có 7 lần tăng giá điện, trong đó lần gần nhất là ngày 1-12-2017 với biên độ tăng 7,5%.

Tất nhiên, tôi cũng tham khảo một số khía cạnh khác, như khung giá phát điện 2019, tỷ giá, giá nhiên liệu phát điện,…

Chính từ “nhận thức từ khách quan” như vậy, tôi hiểu rằng mình phải tự giải cứu lấy hóa đơn tiền điện của mình thôi, chớ không nên để cho bị cuốn theo dòng trend của anh em xã hội chỉ biết đổ hết cho ngành điện, cho dù nó có cái nickname là “điên… nặng”. Ngay từ trước lúc Thủ tướng đã phải chỉ đạo yêu cầu Thanh tra Chính phủ cùng các bộ thanh tra việc tăng giá, phương pháp tính và thu tiền của các hộ dùng điện, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6-2019 sau khi tuyệt đại đa số người dùng điện bừng bừng nộ khí xung thiên khiến Trương Phi phải chạy dài do tiền điện kỳ tháng 4-2019 tăng quá khủng khiếp – nhất là so với mức thu nhập “ổn định” của mình, tôi đã hiểu rằng EVN sẽ vẫn tiếp tục được tăng giá bán điện. “Sống chung” hay “ly hôn”!

Và như từ những ngày đầu tiên, tôi chỉ càm ràm EVN ở hai vụ:

1. Thời điểm tăng giá điện. Cớ sao lại chọn thời điểm nắng nóng nhất trong năm để tăng giá điện? Tăng giá điện vào lúc người dùng bắt buộc phải xài nhiều điện nhất hầu chống nóng mà sống phải chăng là để có thể thu thêm được nhiều tiền nhất, bất kể nhiệm vụ phục vụ người dân? Nhà kinh doanh của kinh tế thị trường chánh hiệu còn phải biết nghĩ tới khách hàng, khoan sức khách hàng và nuôi nguồn thu kia mà.

2. Biểu giá bán điện lũy tiến. Tôi nghĩ rằng không chỉ việc chia ra tới 6 mức mà ngay chính định lượng số điện tiêu thụ cho từng mức như hiện nay là bất cập và phi thực tế. Tôi ủng hộ việc áp dụng biểu giá điện lũy tiến trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, với mục đích chủ yếu để tiết kiệm điện như nhiều nước khác (năng lượng là một trong những sản phẩm đặc thù không theo quy luật thị trường càng bán nhiều càng rẻ). Luật Điện lực (sửa đổi, bổ sung năm 2018 và thi hành từ 1-1-2019) cho phép áp dụng chính sách giá điện để “khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả”. Tuy nhiên, trong khung giá hiện hành, mức thấp nhất (bảo đảm chính sách điện) vẫn giữ ở 50kWh giờ đã lạc hậu. Cơ quan chức năng cũng đã thừa nhận tỷ lệ hộ xài từ 50kWh/tháng trở xuống hiện còn rất thấp. Mức sống và nhu cầu xài điện giờ đã tăng lên. Ngay cả mức chuẩn để tính hộ nghèo tại một số địa phương (như TP.HCM giờ cũng phải nâng lên rồi). Mức điện tiêu thụ bình quân của hộ gia đình là bao nhiêu thì do cơ quan chức năng tính toán, tôi thì ngây thơ nghĩ rằng không thể dưới 100kWh/tháng.

Tôi cũng không thích chuyện bắt người xài điện nhiều (hàm ý là người giàu hơn) phải choàng gánh bù đắp giá điện cho người nghèo hơn. Chuyện đó là của nhà nước. Khoản 3, Điều 29, Mục 3, Chương IV của Luật Điện lực 2018 ghi rõ: “Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội từng thời kỳ.” Vì thế, EVN chỉ việc đưa ra giá bán điện đúng và đủ, chí ít là ở các mức khung cao nhất, để nhóm người tiêu dùng “không có gì hơn là nhà có điều kiện” liệu cơm mà gắp mắm, có sức chơi sức chịu.

Chốt hạ, bạn chỉ có thể tẩy chay, theo trend Sir Trump “nghỉ chơi” với Trung Quốc, để “buông bỏ” EVN nếu như có thể trở về thời ăn lông ở lỗ không xài điện nữa. Với tư cách khách hàng, ta chỉ nên vật lộn để EVN ngày càng làm ăn đàng hoàng hơn, tốt hơn. Nếu có búng tay như nhân vật Thanos trong bộ phim Avengers: Endgame của Hollywood, bạn cũng chỉ nên thổi bay những kẻ tào lao bậy bạ khoác áo EVN mà đừng làm bay màu EVN. Cô hàng xóm của tôi dạy như vậy á. Cô hàng xóm còn thách thức tôi coi tháng này ai tiết kiệm xài điện hơn để tự giải cứu thực chất cái hóa đơn tiền điện của nhà mình. Nhưng bất luận thế nào, giờ tôi phải cày sâu cuốc bẫm cực hơn để kiếm thêm tiền bù đắp cho khoản tăng giá điện – đó mới là hành động thực tế và đầy thần thái của một người chấp nhận sống chung với điên… nặng!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Ảnh: Internet. Thanks.