Chủ nhật ngày 08 tháng 9 năm 2024

Haiyang Dizhi 8, quá tam 3 bận rồi nghen…

Tội nghiệp, giữa mưa gió sóng to, tàu khảo sát địa chất biển Haiyang Dizhi 8 của láng giềng Trung Quốc lúc này vẫn đang tiếp tục miệt mài chạy qua chạy lại như “đan áo” trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là lần thứ 3 tàu này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam kể từ ngày 3-7-2019.

Dựa vào các dữ liệu thu từ định vị vệ tinh AIS của website chuyên theo dõi các hoạt động hàng hải toàn cầu Marine Traffic, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết: tàu Haiyang Dizhi 8 (hay Haiyang Dizhi Bahao, Hải Dương Địa Chất 8) và một số tàu hải cảnh hộ tống đã khởi hành khu vực Đá Chữ Thập lúc 7g50 sáng 7-9-2019 (giờ VN). Tàu đang đi với vận tốc trung bình 9-10 knot (16,6 – 18,5km/g) về hướng biển Việt Nam.

Thông tin này được Chuyên gia Biển Đông Ryan Martinson, một trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (China Maritime Studies Institute) thuộc trường Đại học Hải chiến Hoa Kỳ (U.S. Naval War College), xác nhận trên Twitter.

Vào lúc 14g38ph ngày 7-9, tàu Haiyang Dizhi 8 cách bờ biển đất liền Việt Nam 199,8 hải lý (370km) và cách đảo Phú Quý khoảng 180 hải lý (351,8km). Đi theo hộ tống tàu khảo sát này có ít nhất 3 tàu hải cảnh Trung Quốc: 46303, 37111 và 33111.

Hành trình của tàu Haiyang Dizhi 8 trong ngày đầu tiên của đợt 3 xâm phạm vùng biển EEZ của Việt Nam.

Tàu Haiyang Dizhi 8 đã xâm phạm vùng EEZ Việt Nam đợt 1 từ ngày 3-7 tới 7-8-2019 và đợt 2 từ ngày 13-8 tới 2-9-2019. Sau cả 2 đợt đó, tàu này và các tàu hải cảnh hộ tống đã trở về neo đậu ở Bãi Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) – một căn cứ do Trung Quốc xây dựng trên một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa mà Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền.

Trong các ảnh này có sơ đồ “đan áo” của tàu Haiyang Dizhi 8 trên vùng EEZ Việt Nam trong 1 tháng vừa qua, bao gồm cả khoảng nghỉ từ ngày 2 tới ngày 6-9-2019.

Haiyang, về nhà đi ngươi… Quá tam ba bận rồi nghen. Tới lần thứ tư thì… mackeno… mặc kệ đó nghe!

Phải chăng giải pháp khả thi bây giờ là nín thở qua sông? Tàu Việt Nam tiếp tục bám sát nhưng chỉ là để quan sát và canh chừng. Tàu Trung Quốc cứ thăm dò cho tới khi nào nó chán thì thôi (có lẽ ngoại trừ có sức ép từ quốc tế). Việt Nam mà thiếu kiềm chế lúc này, dụng tới vũ lực, là rơi vào cái bẫy thâm sâu của Trung Quốc – hậu quả khôn lường. Cùng lắm thì cứ rủ nhau tham gia “lễ hội té nước trên biển” bằng vòi rồng phun nước. Còn trò “chọi trâu” thì coi giò cẳng bánh lái, trâu ta khó bề trụ nổi. Cái khổ của một nước nhỏ phải nằm kề bên nách một cường quốc khổng lồ luôn rắp tâm cưỡng chiếm khó nói lắm chị em à. Cái nghiệt ngã định mệnh nhất là trong số các nước có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc, chỉ duy nhất Việt Nam là liền kề cả trên đất liền. Khoảng cách từ thủ đô Hà Nội tới tỉnh biên giới Lạng Sơn chỉ có 154km. Mệt nhất là ở cái chỗ đó. Các nước khác thì còn có biển ngăn cách. Bạn hiểu hôn?

P.H.P.