Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Trải nghiệm trong khu cấp cứu thời COVID-19

Quả là một trải nghiệm dual suspense thriller vừa Dracula, vừa Frankenstein khi nằm trong phòng cấp cứu mà trong khu cách ly sát vách, chỉ ngăn bằng một tấm ván tổng hợp cao khoảng 2 mét, có những ca F0. Nằm đó mà cảm giác rất ớn lạnh khi lâu lâu lại nghe điều dưỡng báo có thêm 1 ca F0 mới sau xét nghiệm nhanh sàng lọc. Chỉ một buổi mà có tới 3 lần gióng chuông F0.

Ngay từ cổng khu cấp cứu, cô điều dưỡng phụ trách khám sàng lọc vòng gởi xe (đo thân nhiệt, đo nồng độ oxy trong máu SpO2, đo nhịp tim, hỏi các câu khai báo y tế, nếu ổn mới cho vào khu vực bên ngoài được cách ly chặt chẽ của khu cấp cứu) cảnh báo rằng: “Phải nguy kịch lắm mới chọn vào cấp cứu. Trong khu cấp cứu có F0. Mặc dù tụi con đã cho cách ly cẩn thận, nhưng không có gì bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đừng nên mạo hiểm với tính mạng mình và gia đình.”

Do lâm vào thế ngặt nghèo đành phải liều nhắm mắt đưa chân, phó mặc cho số phận, hên xui.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Nguồn ảnh: Bộ Y tế.)

Vào nằm bên trong, biết gần bên mình có những ca F0, đành phải tắc lưỡi với niềm tin AQ: “Hy vọng các ca F0 này là nhẹ, vì không có triêu chứng để bị loại ngay từ vòng gởi xe.”

Cảm giác càng rùng rợn hơn khi các bạn điều dưỡng luôn miệng cảnh báo, bệnh nhân và người nhà phải ở nguyên trong ngăn của mình. Muốn đi đâu phải báo điều dưỡng dẫn đi vì láng cháng dễ lạc vào nơi nguy hiểm. Trong khu cấp cứu có cây nước nóng lạnh cho bệnh nhân, nhưng các bạn điều dưỡng khuyến cáo tốt nhứt là nhịn vì ăn uống trong đây rất nguy hiểm. Hễ chạm vào bất cứ vật gì, ngay cả cầm bút ký tên lên hồ sơ xong, người bệnh, người nhà đều được yêu cầu sát khuẩn hai bàn tay. Bản thân các bạn điều dưỡng hễ tới giường bệnh chạm vào cái gì là phải thay bao tay mới. Nhìn giỏ rác y tế mà phát ớn vì quá chừng nhiều.

Mà không lo sao được khi các F0 tới giờ ăn uống, phải mở khẩu trang ra. Coronavirus biến chủng Delta dễ lây và cực kỳ nguy hiểm không chỉ lây nhiễm qua các giọt dịch cơ thể bắn ra như “các đời cũ” và còn lây cả trong không khí.

Cậu em là trưởng khoa một bệnh viện to đùng ở TP.HCM nói là khoa sợ nhứt là những ca F0 “nguội”. Đó là những bệnh nhân và người nhà đã có kết quả test nhanh âm tính, khi lên khoa test Realtime-PCR lại lòi ra dương tính. Thậm chí có những người sau mấy ngày âm tính bỗng dưng có triệu chứng, test lại thành dương tính.

A Phủ chứng kiến cảnh một nữ bác sĩ vào khu vệ sinh nhưng vội vã trở ra than với cô điều dưỡng: “Ngại cởi bộ đồ bảo hộ ra quá.” Theo quy trình, bộ đồ bảo hộ kín bưng đó chỉ mặc một lần. Cậu em nói rằng mình e rằng sau dịch này, nhiều nhân viên y tế bị suy thận, sỏi thận, stress vì phải “nín thị nhịn”. Có những người phải đóng bĩm để phòng bất trắc “núi lửa trào phun”.

Năm trong phòng cấp cứu một buổi mà về nhà, A Phủ nơm nớp lo sợ mấy ngày sau đó. Mặc dù đã cẩn thận tối đa, nhưng nào ai biêt được. Lo mình thì ít, lo cho gia đình nhiều hơn. May là sau đó 4 ngày, có dịp phải test lại ả Cô Vi Vũ Hán 19 tuổi, có được âm hộ rồi, A Phủ mới hoàn hồn.

P.H.P.