Thứ Bảy ngày 07 tháng 9 năm 2024

Chơi mạng xã hội – văn hóa và trách nhiệm

Mạng xã hội hạ tuần tháng 9-2023 lại một phen lùm xùm. Đó là chuyện nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng trên một tại khoản Facebook có dấu tích xanh chính chủ xảy ra ngày 21-9-2023. Và sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa và trách nhiệm khi chơi mạng xã hội.

Vào lúc này thì chắc không còn ai ngây thơ hay duy ý chí, cực đoan tới mức phủ nhận hay phản đối gì về chuyện chơi mạng xã hội. Theo báo cáo Digital 2023: Vietnam của We Are Social được công bố hồi tháng 2-2023, Việt Nam có 98,5 triệu dân thì đã có tới 70 triệu người dùng mạng xã hội đang hoạt động (chiếm 71% dân số). Điều này nói lên tầm ảnh hưởng của mạng xã hội trong xã hội Việt Nam lớn như thế nào.

Bất luận thế nào, mạng xã hội chỉ là một công cụ của thời đại Internet. Chuyện sử dụng nó tốt hay xấu chủ yếu là tùy ở người dùng. Và cũng chủ yếu từ áp lực của nhà cầm quyền các nước nhằm bảo vệ người dân, các mạng xã hội đã phải tiến hành những biện pháp vừa cảnh báo, vừa xử lý những tài khoản vi phạm các nguyên tắc cộng đồng, gây tác hại xấu cho cộng đồng.

Chơi mạng xã hội một cách vô thưởng vô phạt nhằm giải khuây, kết nối bạn bè thì chẳng ai nói gì. Nhưng lợi dụng những ưu thế của mạng xã hội để thực hiện những ý đồ xấu, có hại lại là chuyện khác. Thậm chí kể cả những hành vi bột phát, nhất thời không kiềm chế bản thân mà gây ảnh hưởng tới người khác, tới cộng đồng cũng không thể coi là chuyện đơn giản.

Dấu tích xanh là một hình thức xác thực tài khoản chính chủ của Facebook. Nguyên thủy, Facebook chỉ cấp tích xanh cho tài khoản của những người nổi tiếng, những nhân vật của công chúng, những người có lượng người theo dõi (follow) và tương tác cao sau khi thực hiện một quy trình xác thực. Facebook giải thích: “Huy hiệu đã xác minh cho biết rằng Facebook đã xác nhận trang/trang cá nhân có huy hiệu nói trên là sự hiện diện xác thực của cá nhân, đối tượng của công chúng hoặc thương hiệu mà trang/trang cá nhân đó đại diện”. Nói cách nào đó, các tài khoản có dấu tích xanh là những tài khoản được Facebook “bảo chứng”, giúp người dùng có thể an tâm hơn vì đây là tài khoản chính chủ, có uy tín trong cộng đồng. Và những tài khoản có dấu tích xanh sẽ dược Facebook ưu ái hơn, không khóa “dễ dàng” như bình thường.

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Nhưng nói đi vẫn cần nói lại. Những tài khoản tích xanh là những tài khoản “có tóc” không phải “trọc lóc” như người bình thường. Vì thế, bản thân họ phải có trách nhiệm giữ gìn uy tín của tích xanh. Và nói cho công bằng, nếu để xảy ra sự cố, những tài khoản có tích xanh còn phải chịu trách nhiệm nặng hơn bình thường – chủ yếu vì tầm ảnh hưởng của chúng.

Lâu nay nhiều người lầm tưởng là tài khoản có tích xanh thì không thể bị kẻ khác chiếm đoạt trái phép, bị hack. Hai chuyện khác nhau. Thực tế là không ít tài khoản tích xanh vẫn bị hack. Đây là vấn đề về bảo mật thông tin, giữ an toàn tài khoản.

Thường thì những tài khoản có tích xanh áp dụng phương pháp xác thực 2 yếu tố của Facebook. Vì thế, việc hack dạng tài khoản này trở nên khó hơn nhiều so với tài khoản chỉ được xác thực bằng mật khẩu hay mã PIN. Và thực tế thì những người có tài khoản tích xanh thuộc loại “có số má”, khó lòng sơ suất, hời hợt để dễ bị hack.

Rôi sau khi bị hack, tài khoản có tích xanh sẽ dễ được Facebook trả lại quyền kiểm soát cho chính chủ hơn. Nhưng cũng phải theo quy trình, và không thể nào nhanh chóng được, chứ đừng nói chi là “ngay lập tức”. Những ai từng bị sự cố mất tài khoản Facebook ắt thấu hiểu nỗi niềm rắc rối sự đời này.

Lẽ tất nhiên, cơ quan chức năng có thể điều tra xác minh xem tài khoản Facebook của ai đó có thật sự bị hack mất hay không. Vì thế, việc “tự công bố” là mình bị hack tài khoản để phủi bỏ trách nhiệm là không thể nào.

Cho dù có tích xanh hay không, nếu tài khoản bị hack và gây hậu quả nghiêm trọng, chủ tài khoản phải trình báo và hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để điều tra xử lý. Trong những trường hợp bị “vu oan, giá họa”, chủ nhân lại càng phải cần cơ quan chức năng “giải oan” cho mình.

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng: các hành vi xấu trên mạng xã hội đều bị chế tài theo các điều luật hiện hành của Việt Nam. Và thực tế cho thấy, rất cần cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh và có giá trị răn đe đối với những hành vi vi phạm theo pháp luật. Khi nào việc xử lý còn bị người chơi mạng xã hội coi là “chuyện nhỏ như con thỏ”, mạng xã hội vẫn đầy những khoảng đen tối, những cái nguy hại cho cộng đồng.

Đồng thời, việc chơi mạng xã hội cũng cần phải thể hiện tính văn hóa và trách nhiệm của người chơi. Bắt đầu từ cách ứng xử. Ứng xử trên mạng xã hội một cách có văn hóa và trách nhiệm sẽ càng làm tăng thêm sự yêu quý và uy tín cho chủ tài khoản từ cộng đồng chân chính. 

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 27-9-2023 và báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC