Thứ Bảy ngày 27 tháng 4 năm 2024

Sức mạnh từ kết nối có tương tác

Trong giai đoạn xây dựng chính quyền điện tử, người ta đã nhấn mạnh tới tính kết nối giữa người dân và chính quyền. Và khi phát triển lên chính quyền số, mối kết nối đó cần được kết hợp với tính tương tác – đặc biệt là tương tác trong thời gian thực.

Trong những năm gần đây, khi mở một trang web có tính tương tác cao, người ta thường thấy xuất hiện cửa sổ chat để người dùng có thể trao đổi ngay với bộ phận phụ trách khách hàng. Từ chỗ gửi yêu cầu rồi chờ một thời gian sau mới có thể được phản hồi, sự tương tác này sau đó được nâng cấp lên có người trực để phản hồi ngay – cũng như trực tiếp trao đổi với người dùng. Và đặc biệt, khi công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, đặc biệt là AI tạo sinh, được phổ cập, ngày càng nhiều nơi ứng dụng trợ lý AI để tương tác với người dùng.

Người dân sử dụng ứng dụng di động để kết nối và tương tác với chính quyền. (Ảnh: Zalo).

Hiện nay, có nhiều nhà cung cấp các trợ lý AI dựng sẵn có thể tùy biến theo thực tế từng tổ chức và cơ quan. Có những nhà cung cấp trợ lý AI “Made in Vietnam” có tính thích nghi rất cao.

Một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng,… đã triển khai các chương trình, đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, các ác lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là giáo dục, y tế, giao thông, dịch vụ công, hành chính công và chính quyền điện tử, du lịch thông minh.

Trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam – Châu Á 2023 (Vietnam – Asia Smart City Summit 2023) tại Hà Nội hồi cuối tháng 11-2023, hội thảo “Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” đã được tổ chức. Ông Vũ Việt Hưng – Chuyên gia tư vấn, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, nhấn mạnh: Về mục tiêu chuyển đổi số quận huyện, về chính quyền số, cần nâng cao công tác quản lý, điều hành của chính quyền, tăng tính tương tác của chính quyền và người dân. Dịch vụ hành chính công từ chỗ thực hiện trực tiếp và một cửa theo sở, ngành theo địa bàn quận, huyện, phường, xã, phải trở thành “một cửa bất kỳ” – nghĩa là người dân có thể sử dụng dịch vụ công bất kỳ ở nơi đâu mà không cần phải ra trụ sở hành chính. Tất cả diễn ra trên nền tảng Internet.

Chính nhờ sự tương tác mà người dân có thể giao dịch, liên hệ, thực hiện các thủ tục hành chính công trên online; trong khi cơ quan chức năng cũng có thể xử lý, giải quyết và trả kết quả các thủ tục đó qua online. Mà điều đó đòi hỏi sự liên thông thông suốt.

Ngay trong năm đầu tiên triển khai hình thức mini app (ứng dụng nhỏ nằm ngay trong một ứng dụng chính), chỉ trong vòng 9 tháng (tính đến cuối năm 2023), một nền tảng liên lạc mạng xã hội ở Việt Nam đã có được 12 tỉnh lựa chọn mô hình này như kênh tương tác và cung cấp tiện ích, dịch vụ công chính thống online đến người dân. Đáng chú ý là có đến 22% người dùng mini app của các tỉnh là người trên 45 tuổi – nghĩa là những người yếu thế về công nghệ.

Mô hình chính quyền số sẽ không thể phát huy hết hiệu quả nếu như sự kết nối giữa người dân và chính quyền thiếu đi sự tương tác, đặc biệt là tương tác theo thời gian thực. Người dân sẽ chẳng thể hài lòng nếu như các ý kiến và yêu cầu của mình gửi đi lại không được cơ quan tiếp nhận phản hồi nhanh chóng, hay tệ nhất là “làm ngơ”.

  • Bài đã in trên báo Người Lao Động thứ Tư 13-3-2024 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN