Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Đêm giao thừa Tây, ta nghe Auld Lang Syne

 

Nửa đêm giao thừa trước khi đón năm mới ở Âu Mỹ, người ta cùng hát ca khúc Auld Lang Syne. Truyền thống này đã có khoảng 90 năm nay.

Theo từ điển bách khoa Wikipedia, Auld Lang Syne là một bài thơ Scotland được tác giả Robert Burns viết hồi năm 1788 và sau đó trở thành một bài dân ca truyền thống.

Bài hát này được người dân nhiều nước, đặc biệt là cộng đồng nói tiếng Anh, hát tống tiễn năm cũ trong đêm giao thừa. Nó còn phổ biến tới mức được hát trong lễ tang, lễ tốt nghiệp, chia tay, kết thúc sự kiện.

Nghe nói Robert Burns đã gửi một bản sao của bài hát gốc này tới Viện Bảo tàng Âm nhạc Scotland với ghi chú “Bài hát này, một bài hát cổ, của thời xa xưa, và nó chưa bao giờ được in hay thậm chí có bản viết tay cho tới khi tôi ghi lại nó từ một ông lão.”

Phong trào Hướng đạo sinh (Boy Scout) quốc tế ở nhiều nước cũng hát mỗi khi bế mạc một hội trại, một đại hội (jamboree)… Bài hát tiếng Việt:

“Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến

Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau.”

Trước năm 1975 ở Saigon, bài này được dàn nhạc chơi lên mỗi khi kết thúc một vở tuồng.

Hồi nhỏ, bọn tôi thường nhại bài hát này với lời Việt chế có liên can tới những nhân vật điện ảnh mà nhiều người yêu thích: “Ò e, Rô-be đánh đu. Tạc-dăng nhảy dù. Zô-rô bắn súng…. Chết cha con ma nào đây. Thằng Tây hết hồn. Thằn lằn cụt đuôi”. Mà thằn lằn cụt đuôi có nghĩa là hết chuyện.

Xin mời xem video:

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Thành phố Auckland (New Zealand) là một trong những nơi đầu tiên đón Giao thừa năm 2017. (Ảnh: Internet. Thanks)