Thứ Sáu ngày 20 tháng 9 năm 2024

Nỗi niềm một kẻ hậu nhân cùng quê với ngài Nguyễn Huệ

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

 

Tôi không hề có ý định (cái chính là không đủ năng lực) để tham gia vào một “Phây-án” mới trên Facebook về một cái tranh vẽ được chú thích là do họa sĩ Trung Hoa vẽ vua Quang Trung.

Tôi chỉ muốn Face-leak một chi tiết là xưa nay tôi vẫn giải thích cái sự nghèo túng, hèn mọn của mình là do cái nhau của tôi được cha mẹ chôn cách cái nhau của ngài Nguyễn Huệ 1 zem (1/10mm). Chỉ với cái khoảng cách 1 zem chân tóc kẽ tóc ấy mà người làm hoàng đế, kẻ làm quân sĩ. Bởi lẽ tôi cất tiếng khóc chào đời tại xã Bình Phú, quận Bình Khê (nay là Tây Sơn) của tỉnh Bình Định.

Có lẽ do cái tranh chân dung này được vẽ ở thời chưa có camera 360 độ nên trông nó buồn chán quá. Vậy là lập tức trên Phây nổ ra cuộc tranh luận bắt đầu từ ngày cuối cùng của năm 2017 (khi báo TT có bài viết công bố bức hình này) tới nay giữa ít nhất 2 phe.

Một phe chiếm thế áp đảo lâu nay vẫn sống với hình ảnh một vị vua oai phong lẫm liệt từng làm nên kỳ tích mùa xuân Kỷ Dậu 1789 đánh tan tành đạo quân hàng vạn quân Thanh, đuổi cổ bọn xâm lược phương bắc về nước. Nguyễn Huệ cùng với 2 ông anh Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ trở thành Anh em nhà Tây Sơn có công dẹp tan cuộc nội chiến Nam – Bắc phân tranh giữa hai Chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và Chúa Nguyễn (Đàng Trong) cùng hậu duệ nhà Hậu Lê, chấm dứt một trong những cuộc can qua nghiệt ngã nồi da xáo thịt của dân tộc Việt kéo dài 2 thế kỷ. Nhà Tây Sơn cũng đánh thắng cuộc xâm lược Đại Việt từ nước Xiêm La ở phía nam, mà lừng lẫy là trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút (1785).

Một phe nhân danh sự thật lịch sử khi nói rằng họ đã được thuyết phục bởi những nghiên cứu mang tính khoa học, cho dù chỉ là từ vài ba nhà nghiên cứu độc lập.

Điểm chung dễ nhận ra của cuộc tranh cãi mang tính “keyboard chiến” này là toàn bộ Facebooker tham gia đều bỗng chốc trở thành những nhà sử học, những nhà nghiên cứu.

Thú thiệt, tôi chỉ lăn tăn về cái bài “Đã tìm ra chân dung chính xác nhất của vua Quang Trung?” trên một trong những tờ báo in có đông người đọc nhất hiện nay. Ngay cái cách giựt tít cũng rất hàm hồ, dễ khiến người đọc báo coi như một lời xác định nếu không để ý tới cái dấu hỏi nhỏ bé phía sau. Còn khi đọc lên bằng lời nói thì cách giựt tít này coi như là điều xác định.

Có hai chi tiết làm tôi trăn trở trong bài báo này.

Một là, sau khi công phu trích dẫn để dẫn chứng một số tài liệu lịch sử bằng văn bản có những lời mô tả (kể cả của sứ thần Triều Tiên lẫn của phe coi Tây Sơn là “Ngụy Tây”) về một Nguyễn Huệ hùng dũng, oai phong, thanh tú ra dáng một tướng võ nghệ phi phàm, tài trí lỗi lạc, tác giả bài báo lại viết: “tuy nhiên đây chỉ là văn tả”, ngụ ý không đáng tin. Trong khi các sử sách trên khắp nhân loại xưa nay cũng chỉ là văn tả đó mà.

Hai là, ở phần cuối bài, tác giả bài báo đã cho phép mình kết luận rằng “Như vậy có thể theo thông tin do Trần Quang Đức công bố “hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh” để tìm ra bức hình gốc vẽ vua Quang Trung trong bộ ba bức tranh do vua Càn Long chỉ thị thực hiện, có thể được xem là đã tìm ra chân dung trung thực nhất của vua Quang Trung.”

Như vậy, từ nay về sau, những người đồng ý với cái tranh vẽ nói là chân dung của vua Quang Trung cứ việc dẫn nguồn “báo TT đã khẳng định như vậy”.

Cái tranh được nói là vẽ chân dung vua Quang Trung do nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố.

Chỉ với tâm trạng một kẻ hậu thế có vinh hạnh được chôn nhau trên quê hương Nguyễn Huệ, tôi dằn vặt miết:

– Cái tranh vẽ này được nói là được treo bao nhiêu năm nay trong Viện Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh (The Palace Museum) trong Tử Cấm Thành (Forbidden City) mà ai cũng có thể tham quan, cớ sao tới nay mới “lộ diện”?

– Cái tranh vẽ này được nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết vừa được “một người bạn Trung Quốc” gửi cho. Bạn Trần Quang Đức (sinh năm 1985) tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh hiện là một nhà nghiên cứu độc lập và một dịch giả Trung – Việt. Điều này chứng minh nhà nghiên cứu này thật sự có những người bạn Trung Quốc.

– Mấy trăm năm nay, Việt Nam và thế giới đều tin sự việc vua Quang Trung giả sang chúc thọ vua Càn Long của nhà Thanh. Và phải đợi đến hôm nay mới có vài ba nhà nghiên cứu đảo ngược lại, nói rằng người sang chúc thọ đó chính là vua Quang Trung thật. Tất nhiên, lịch sử luôn là mê cung và đầy ẩn số mà có những chi tiết cả ngàn năm sau mới có thể được giải thích. Nhưng nghiên cứu là một chuyện, kết quả nghiên cứu có đủ sức thuyết phục để trở thành chân lý không lại là chuyện khác.

– Mà cho dù đó có phải là tranh vẽ vua Quang Trung thật đi nữa thì khó ai ngây thơ tới mức tin rằng họa sĩ nhà Thanh theo lệnh vua nhà Thanh lại đi vẽ chân dung một kẻ đại thù của dân tộc mình theo kiểu tôn vinh. Chuyến đi chúc thọ đó diễn ra vào năm Canh Tuất (1790), tức chỉ một năm sau khi vua Quang Trung đánh tan tành hàng vạn quân Thanh, tống cổ quân xâm lược về nước. Do đặc thù lịch sử và địa chính trị, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này từ sơ khai đến nay luôn căng thẳng theo công thức chiến thắng của bên này là thảm bại của bên kia. Mà người Trung Hoa xưa nay khét tiếng thế giới về cái lòng thù dai, hận sâu, thâm thù, thử hỏi nhà Thanh có thể hữu hảo với An Nam khi mới qua giỗ đầu của hàng vạn quan quân nhà Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa. 

Tôi không theo thuyết hễ giàu là phải sang, hễ vua là phải oai phong. Trong tướng số có những nét gọi là ẩn tướng. Có lẽ nhiều người nhớ một trong những giai thoại về ẩn tướng của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1280 – 1346). Nhưng ngày xưa, các tướng võ đi lên từ trận mạc, võ nghệ siêu quần và trực tiếp cầm quân ra trận không thể nào là những kẻ có thân hình ốm yếu, thần thái bèo nhèo, dung mạo bạc nhược. Nguyễn Huệ là một trong những người con võ binh của đất võ Tây Sơn, nơi đã đi vào ca dao: “Ai ra Bình Định mà coi. Đàn bà cũng biết đi roi múa quyền.”

Mà thôi, như đã thưa ở trên, tôi không có ý định và không có đủ năng lực (chí ít là cứ liệu) để tham gia vụ Phây-chiến mới về tranh chân dung vua Quang Trung. Tôi tự nhủ rằng nhiều thứ thuộc về lịch sử rất dễ gây tranh cãi và khó mà chốt hạ. Nếu tìm ai để đổ lỗi, tôi chỉ dám trách rằng sao vào cái thời vua Quang Trung đó lại chưa có máy ảnh. Tôi mà có năng lực là một nhà nghiên cứu thì sẽ luôn cẩn trọng gấp bội lần về những chi tiết lịch sử, đặc biệt khi nó gắn bó với một dân tộc. Tôi tin chắc rằng cho dù là một người đoạt giải Nobel về sử học (may là không hề có lĩnh vực này) cũng chẳng dám đem cả sự nghiệp mình ra mà cá cược những bức vẽ này giống hệt vua Quang Trung. Tôi có thể chấp nhận đây là một bức tranh vẽ vua Quang Trung, nhưng có giống hay không lại là chuyện khác. Phần mình, cho dù bị ném gạch đá là kẻ ngoan cố, tôi vẫn giữ trong lòng mình, tâm trí mình hình ảnh Nguyễn Huệ được in trên tờ giấy bạc 200 đồng do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của Việt Nam Cộng Hòa phát hành ở miền Nam trước năm 1975. Đó mới chính là Quang Trung – Nguyễn Huệ trong lòng tôi.

Tượng Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.