Chủ nhật ngày 08 tháng 9 năm 2024

Một SEA Games số hóa tới tận… răng

Có lẽ SEA Games 31 tại Việt Nam tháng 5-2022 này là kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á đầu tiên được số hóa tới tận…răng. Không chỉ người yêu thể thao ở Việt Nam mà người quan tâm ở khắp khu vực và cả thế giới đều có thể dễ dàng ngồi tại nhà theo dõi các hoạt động của sự kiện theo thời gian thực và mọi lúc, mọi khi.

Một điểm nhấn nữa là không chỉ được trực tiếp trên các kênh truyền hình truyền thống mà các sự kiện thi đấu còn được phủ khắp các nền tảng truyền thông đại chúng mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok,… Không chỉ có live stream cả trận thi đấu mà còn có cả những tóm tắt, những tình tiết nổi bật,… phục vụ người xem online trực tiếp hay xem lại.

Đáng chú ý là nhà Google đã thiết kế hàng loạt tính năng và dịch vụ để số hóa và online hóa SEA Games 31. Chiều 9-5-2022, tức chỉ 4 ngày trước khi sự kiện chính thức khai mạc, Google đã ra mắt trang web Google Xu hướng (Google Trends) SEA Games 31 – một trang thông tin trực tuyến đặc biệt lần đầu tiên được thiết kế dành riêng cho Đại hội Thế thao Đông Nam Á – SEA Games, phục vụ trực tiếp cho người hâm mộ ở Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Các tính năng mới của Google hỗ trợ khán giả theo dõi trọn vẹn và nắm bắt các thông tin kết quả quan trọng của mỗi trận đấu dù là đang theo dõi trực tuyến từ xa hay  trực tiếp cổ vũ tại sân vận động. Google còn kịp thời bổ sung nhiều tính năng mới cho các dịch vụ và ứng dụng YouTube, Google Flights, Google Assistant, Google Lens

Nền tảng YouTube của Google tràn ngập các nội dung về SEA Games 31.

Google chia sẻ: Với các công cụ được Google phát triển dành riêng cho sự kiện được tổ chức tại Việt Nam này, Google mong muốn đóng góp ở việc quảng bá không chỉ các nội dung thi đấu của SEA Games 31 nói riêng mà còn về hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam nói chung đến với khán giả trong nước lẫn quốc tế.

Thực tế là các thông tin về SEA Games 31 đã tràn ngập Internet đem lại cho mọi người một trải nghiệm số hóa thú vị hơn bao giờ hết.

Tất nhiên, bên cạnh các thông tin chính thống và tích cực. trên các nền tảng mạng xã hội vẫn không thể tránh khỏi những thông tin có ý đồ xấu, những tin giả, tin bóp méo chủ yếu nhằm câu view, câu like… có thể gây nhiễu loạn thông tin trên mạng. Chuyện này cần được cộng đồng mạng lưu ý và tiếp sức dọn rác bằng cách báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng cho ban quản trị nền tảng, thậm chí sự can thiệp nhanh chóng của các lực lượng chức năng. May mắn là những cọng cỏ dại này không nhiều. Một phần do sự lan tỏa và phủ quá rộng của các sóng thông tin chính thống và tích cực.

Một điểm đáng nói nữa khi đợt phủ sóng số nhân SEA Games 31 này không chỉ về thể thao mà còn được khai thác để kích cầu, quảng bá các lĩnh vực có liên quan. Chẳng hạn như giới thiệu những đặc sắc đặc trưng của đất nước Việt Nam, về du lịch, ẩm thực, mua sắm…

Và đó là những điều nên được duy trì sau SEA Games 31, cũng như phát huy cho các sự kiện công chúng khác. Chắc chắn các cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ quan tâm đến điều này và ứng dụng nó cho những lĩng vực khác, đặc biệt là trong thời chuyển đổi số toàn diện quốc gia.

  • Bài đã được in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 22-5-2022 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ