Chủ nhật ngày 08 tháng 9 năm 2024

Nhân lực – chìa khóa của Việt Nam mở cửa ngành bán dẫn

Một trong những lĩnh vực được coi là thế mạnh tiềm năng của Việt Nam trong khát vọng đưa công nghệ Việt ra thế giới, cũng như phục vụ nhu cầu tại chỗ, đó là ngành vi mạch bán dẫn. Ngành bán dẫn lại có nhiều phân khúc, công đoạn từ đơn giản đến phức tạp, từ có mức đầu tư vừa phải đến đầu tư rất lớn, từ ngắn hạn đến dài hạn. Vì thế, Việt Nam cần cân nhắc để có được một sự lựa chọn khả thi và hiệu quả nhất cho thực lực hiện hữu của mình.

Và cho dù ở phân khúc nào trong ngành vi mạch bán dẫn, nguồn nhân lực vẫn luôn là bài toán đầu tiên và nền tảng phải giải. Nhân lực chính là một chiếc chìa khóa để giúp Việt Nam mở cánh cửa vào ngành vi mạch bán dẫn. Nói như ông Trần Đắc Trung, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc (Hà Nội), chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển nhân lực cho công nghiệp bán dẫn” diễn ra tại Hà Nội ngày 30-7-2024, để thu hút đầu tư ngành bán dẫn, phát triển nhân lực là yếu tố then chốt. Muốn làm việc này cần làm tốt việc kết nối cả ba nhà gồm: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp.

Kỹ sư Việt Nam thiết kế vi mạch bán dẫn tại Marvell Việt Nam ở TP.HCM. (Ảnh: A.P.)

Về phía Nhà nước, chúng ta đã có Chiến lược Phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, trong đó đã xác định công nghệ sản xuất chíp vi điều khiển, linh kiện bán dẫn… là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, xác định đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có thể tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.

Về phía doanh nghiệp, theo Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao TP.HCM, trong số khoảng 50 doanh nghiệp làm về dịch vụ thiết kế vi mạch ở Việt Nam hiện nay, phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và đặt tại TP.HCM. Số liệu từ Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chíp, tập trung chủ yếu ở TP.HCM (chiếm hơn 76% nhân lực). Việt Nam mới có 2 doanh nghiệp lớn chính thức tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu là FPT và Viettel, hiện ở cấp độ cơ bản.

Có một lợi thế của Việt Nam khi được nhiều nguồn quốc tế đánh giá như một điểm đến lý tưởng cho các “ông lớn” công nghệ vi mạch bán dẫn thế giới. Việt Nam đã thu hút được một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong ngành bán dẫn như Intel, Samsung, Foxconn, Amkor… đến đầu tư xây dựng nhà máy. Ngoài ra, Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2023 có nêu rõ 2 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

Trong giới công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Marvell (Mỹ) là một trong những cái tên hàng đầu. Tập đoàn công nghệ “tỷ đô” này đã có hoạt động thiết kế chíp tại Việt Nam từ năm 2013. Và năng lực của các kỹ sư bán dẫn Việt Nam luôn được Marvell toàn cầu đánh giá cao. Marvell Việt Nam từ vài chục người thuở ban đầu (2013) đến nay (2024) đã có gần 400 nhân sự, trong đó có tới 97% là kỹ sư. Ngoại trừ công đoạn phát triển kiến trúc hệ thống, hầu hết các công đoạn còn lại trong quy trình phát triển chíp của Marvell trên toàn cầu đều có sự tham gia của “chất xám Việt Nam”, thậm chí có những dự án hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam thực hiện. Trong lần trao đổi với chúng tôi hồi tháng 5-2024, TS Lợi Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt hiện là Phó Chủ tịch Cấp cao của Tập đoàn Marvell phụ trách Cloud Optics Group, cho biết: Hiện nay, trung tâm thiết kế vi mạch của Marvell Việt Nam được xếp thứ 4 (sau Mỹ, Ấn Độ và Singapore) trong hệ thống thiết kế vi mạch toàn cầu của Marvell. Và ông tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa, vị trí này sẽ được nâng lên số 3 (chỉ sau Mỹ và Ấn Độ).

Trường hợp Marvell Việt Nam là một điển hình đầy sức thuyết phục cho năng lực của người Việt Nam trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Bây giờ tới cột trụ thứ ba là nhà trường. Trong đề án nói trên, Việt Nam đề ra mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn; tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo; đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.

Cũng  tại Hội thảo “Phát triển nhân lực cho công nghiệp bán dẫn” ở Hà Nội hồi cuối tháng 7-2024, TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), cho biết: Qua khảo sát các trường đại học lớn của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có khả năng đào tạo 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, cho rằng: Thời gian vàng cho thời cơ của Việt Nam để tham gia ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu chỉ vỏn vẹn có 3 năm là tối đa. Vì thế, Việt Nam cần có những giải pháp để có thể đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn càng nhanh càng tốt. Nhưng nhanh gì thì cũng phải bảo đảm được chất lượng đạt các chuẩn mực quốc tế. Chẳng hạn như cần xây dựng các chương trình đào tạo đa dạng hóa và linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc khai thác các nguồn nhân lực của các ngành gần đang có thông qua nâng cao, chuyển đổi và liên thông.

Và nền tảng của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam chính là phải sớm xây dựng cho được một hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam khả thi và thực chất.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 10-8-2024 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC