Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Cử tri Hoa Kỳ đã chọn ông Donald Trump làm Tổng thống mới

donald-trump-03 

Vậy là cuối cùng sau một năm dài tranh cử tưng bừng lá thu, đầy hỉ nộ ái ố của các ứng cử viên, Hoa Kỳ đã chọn được vị tổng thống thứ 45 của mình trong cuộc bầu cử tổng thống 4 năm một lần lần thứ 58 vào ngày thứ Ba 8-11-2016.

Tôi chớ hề dám bình luận gì về sự lựa chọn này.

Cử tri Mỹ có những lý do riêng để quyết định và họ bầu ra tổng thống là để phụng sự mình và tổ quốc Hoa Kỳ chứ không phải để phục vụ cho lợi ích của nước nào khác hoặc cho cái cảm tính tự sướng của người khác.

Một người bạn của tôi ở Mỹ sau khi đi bầu xong nói rằng nếu như đắc cử, tỷ phú Trump lần đầu làm chính khách còn có dàn cố vấn chính trị hỗ trợ mình chứ không thể thoải mái vô tư thích gì nói nấy, khoái gì làm nấy như khi còn tranh cử. Hơn nữa, ông còn bị ràng buộc bởi vô số quy định của Hiến pháp và các luật lệ. Tổng thống Mỹ hoàn toàn không phải muốn làm gì theo ý mình thì cứ làm.

Phải bái phục ai đã nghĩ ra cái slogan tranh cử cho ông Trump. “Make America Great Again!” (Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) rõ ràng rất Mỹ và chạm tới tận tâm trí và lòng tự tôn, tự hào của từng người Mỹ. Các tổng thống gần đây vẫn bị càm ràm là làm cho nước Mỹ yếu đi trước quốc tế, có vẻ nhún nhường và thậm chí quá lịch sự – gentleman. Muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại cần có một chủ soái mạnh mẽ, nói nôm na là “chịu chơi”. Mà câu slogan này có vẻ cực kỳ hợp với tính cách của ông Trump.

donald-trump-make-america-great

Chỉ có điều “Make America Great Again!” trong tay ông Trump sẽ là một slogan rất dị ứng đối với những nước lâu nay không hề muốn cho nước Mỹ mạnh khỏe. Ít nhất thì Beijing, Moscow, Pyongyang,… sẽ phải…. họp khẩn!

Trong hai lần tranh cử trước, ông Barack Obama đã thành công với các câu slogan Yes We Can (Vâng, chúng ta có thể), Change We Need (Thay đổi là điều chúng ta cần) và Change (Thay đổi) trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, cũng như slogan Forward (Tiến lên phía trước) trong lần tái tranh cử năm 2012.

Trong khi đó, trở lại cuộc đua vào Nhà Trắng lần thứ hai này (lần trước vào năm 2008, nhưng bà đã ngừng lại khi vào tới vòng đề cử của đảng Dân chủ để dồn phiếu cho ông Obama), bà Hillary Clinton – cựu Đệ nhất phu nhân và Ngoại trưởng Hoa Kỳ – đã chọn cho mình những slogan quá hiền và ít sức dựng ngay người ta dậy: Hillary For America (Hillary vì nước Mỹ) hay Fighting For Us (Chiến đấu cho chúng ta) rồi Stronger Together (Càng mạnh hơn khi càng cùng nhau hơn).

Vậy là bà Clinton coi như đã vỡ tan giấc mơ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử 240 năm của Hoa Kỳ. Có lẽ bà sẽ không tham gia tranh cử lần tới vào năm 2020 khi bà ở tuổi 73. Chỉ tội nghiệp cho phu quân là cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ phải tiếp tục chạy sô giảng thuyết nhiều hơn, còng lưng viết lách nhiều hơn để kiếm tiền trả nợ cho cuộc tranh cử rất tốn kém của phu nhân. Chỉ hy vọng, trong lần thứ hai làm chuyện ấy, ông sẽ có nhiều kinh nghiệm và thành công hơn.

Phải nói rằng bà Clinton đã thua mà vẫn được kính trọng và nhận được nhiều nuối tiếc của không chỉ người Mỹ. Ban đầu, bà không thừa nhận mình đã thua, nhưng sau đó đã gọi điện chúc mừng ông Trump. Người chiến thắng đã dùng nhiều lời có cánh để an ủi đối thủ thất bại của mình. Ông Trump nói là bà Clinton đã làm việc cực nhọc nhiều năm rồi và xứng đáng để nhận sự biết ơn của mọi người.

Khi ông Trump giành được 276 phiếu đại cử tri (chỉ cần 270 phiếu là đủ để thắng cử), các hãng tin dừng thông tin kết quả lại (lúc ấy bà Clinton được 218 phiếu). Trong số 44 phiếu đại cử tri còn lại, tuyệt đại đa số ở các bang còn lại mà ông Trump đang dẫn điểm. Nếu xét về số lượng cử tri phổ thông thì bà Clinton được hơn 57,6 triệu người bầu so với 58,1 triệu người bầu cho ông Trump (đây là số liệu tới thời điểm báo chí ngưng cập nhật kết quả bầu cử).

161108-us-president-election-result-27

Đảng Cộng hòa đã đại thắng trong mùa bầu cử 2016. Họ giành được thế đa số để nắm quyền kiểm soát ở cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ. Vào lúc đã có kết quả bầu tổng thống, đảng Cộng hòa đã có được 51 ghế tại Thượng viện 100 ghế và 236 ghế tại Hạ viện 435 ghế. Trong số 50 thống đốc bang, có 33 người thuộc đảng Cộng hòa. Đây là một thế mạnh và thuận lợi của ông Trump khi nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ vào ngày 20-1-2017. Càng đặc biệt có giá trị hơn khi ông Trump lần đầu tiên trở thành chính khách từ một tỷ phú bất động sản và công nghiệp giải trí.

Chắc chắn sẽ tốn nhiều công sức cho các nhà bình luận để giải mã cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở Mỹ. Quả thật 30 chưa phải là Tết. Ngó thấy vậy, nghe thấy vậy chớ thật sự chẳng phải như vậy.

Bất luận thế nào thì thế giới giờ không còn như xưa – lãng ồ à, nay thì sao lại giống xưa được kia chứ. Có vẻ thế giới cũng đang “tự diễn biến” và “chuyển hóa”. Một khi người dân Anh đã chọn giải pháp Brexit thoát khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016 để quyết định đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (cho dù kết quả sít sao 52% đồng ý và 38% phản đối), thì cũng phải coi là chuyện có thể xảy ra khi cử tri Mỹ chọn ứng cử viên Trump – một người mà xét theo nhiều chuẩn mực đã đặt định thật khó thích hợp cho cương vị Tổng thống Hoa Kỳ. Ông Nigel Farage, nhà lãnh đạo của đảng Độc lập Anh (UKIP) vốn là chủ xướng cho chuyện chấn động Brexit, nói với báo Anh The Telegraph rằng kết quả bầu tổng thống Mỹ (với chiến thắng của ông Trump) còn “lớn hơn cả Brexit”. Báo Nga RT (8-11-2016) tiết lộ rằng ông Nigel Farage từng nói mình muốn tìm một công việc ở Nhà Trắng nếu như ông Trump đắc cử. Báo Anh The Telegraph (9-11-2016) gọi việc ông Trump được cử tri bầu làm tổng thống Mỹ là một “Brexit của Mỹ” (America’s Brexit).

Mandatory Credit: Photo by RMV/REX/Shutterstock (5610036i) Donald Trump Donald Trump press conference at the Trump International Golf Club, West Palm Beach, Florida, America - 05 Mar 2016

Ngay từ bây giờ, người Mỹ và thế giới sẽ phải làm quen với thực tế tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chắc chắn đây sẽ là một ông chủ Nhà Trắng có nhiều cá tính.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.