Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Chuyện 21 loạt đại bác

 

Có bạn hỏi tôi vì sao Nhà nước Việt Nam áp dụng nghi thức bắn 21 loạt đại bác đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức tại Hà Nội chiều 12-11-2017 mà lại không làm như vậy trong lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sáng cùng ngày? Phải chăng có sự nhất bên trọng, nhất bên khinh?

Thú thiệt, tôi không rành lắm về nghi thức ngoại giao. Tuy nhiên, theo tôi được biết, trong các cuộc đón tiếp các nhà lãnh đạo quốc gia thăm nhau của các nước, mọi chi tiết đều phải được bàn soạn và thỏa thuận trước giữa hai bên. Thiệt ra, cơ quan Mật vụ Mỹ bảo vệ ông chủ Nhà Trắng chẳng mê gì cái vụ bắn ì đùng này vì gây khó khăn cho họ trong bảo vệ an ninh.

Trong ngoại giao còn có thông lệ bánh sáp đi, bánh quy lại, có qua có lại cho toại lòng nhau. Chỉ tính trong năm 2017 này thôi, Trung Quốc đã hai lần cho bắn 21 loạt đại bác khi đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hồi tháng 1-2017 và Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm hồi tháng 5-2017. Vậy nên, nếu lần này ông Tập sang thăm mà Việt Nam không đem dàn đại bác ra nghênh tiếp thì mới là chuyện bất bình thường. Mà đây đâu phải lần đầu hai bên chào nhau bằng tiếng đại bác.

Ông Tập cũng từng được Mỹ nghênh tiếp bằng đại bác. Ngày 25-9-2015, Tổng thống Barack Obama đã cho bắn 21 phát đại bác khi đón ông Tập tới thăm nước Mỹ. Trong chuyến ông Tập Mỹ du mới nhất hồi đầu tháng 4-2017, có lẽ do Tổng thống Donald Trump mới nhậm chức vào đầu năm 2017 tổ chức tiếp đón tại dinh thự của mình ở bang Florida, nghi thức bắn đại bác không diễn ra.

Dinh thự Mar-a-Lago nằm trong khu resort Palm Beach (Florida) được ông Trump mua với giá 5 triệu USD hồi năm 1985 để biến thành một câu lạc bộ tư nhân cho giới thượng lưu. Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông đã biến nơi đây thành Nhà Trắng thứ hai – nơi ông thường từ Nhà Trắng ở thủ đô Washington bay chuyên cơ Air Force One về nghỉ cuối tuần. Hồi tháng 2-2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không chỉ là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên sang Mỹ gặp Tổng thống Trump mà còn là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được ông Trump đón tiếp tại dinh thự Mar-a-Lago sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Nghi thức bắn 21 phát đại bác đã không xuất hiện trong chuyến ông Trọng đi thăm Mỹ hồi thượng tuần tháng 7-2015, trở thành người đứng đầu đảng CSVN đầu tiên sang thăm chính thức Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đã đón tiếp và hội đàm với ông Trọng tại Phòng Bầu Dục (Oval Office) ở Nhà Trắng. Đây là văn phòng làm việc chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ. Phòng Bầu Dục được xây dựng hoàn tất vào năm 1909 dưới thời Tổng thống William Howard Taft, vị tổng thống thứ 27 của Hoa Kỳ.

Có lẽ cũng nên nói rõ là Tổng thống Hoa Kỳ chỉ tiến hành những lễ đón tiếp lãnh đạo nước ngoài với nghi thức rình rang, bài bản, màu mè hoa lá cành với một số ít trường hợp, chủ yếu mang tính ngoại giao đặc biệt. Còn phổ biến là các nguyên thủ quốc gia cứ đến, có quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ ra sân bay đón, rồi sau đó được Tổng thống tiếp đón tại Nhà Trắng và tâm sự loài chim biển với nhau. Đơn giản vậy thôi. Mỹ không câu nệ hình thức mà cần thực chất (nói là thực dụng cũng chẳng sai).

Nghi thức bắn đại bác chào mừng cấp Hoàng gia Anh (Royal Gun Salutes) hiện vẫn được tiến hành tại London vào những sự kiện lớn của nước này. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Có những cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của tập quán và lễ nghi bắn đại bác (từng phát hay từng loạt) để đón thượng khách và mừng đại lễ quốc gia này.

Theo Trung tâm Lịch sử Quân sự Quân đội Hoa Kỳ (the United States Army Center of Military History), việc bắn súng chào mừng có từ thế kỷ 14 khi súng đạn và đại bác ra đời. Hoa Kỳ trước khi tuyên bố độc lập năm 1776 là một thuộc địa của Đế chế Anh được hình thành bởi những dòng người di dân chủ yếu từ châu Âu, đặc biệt là Anh, nên lẽ tự nhiên là chịu chào nhau bằng súng và hơn thế nữa. Năm 1842, Mỹ chính thức áp dụng nghi thức chào mừng Tổng thống bằng cách cho bắn 21 khẩu súng.

Một số nguồn giải thích rằng cách đây hơn 4 thế kỷ, một số nước châu Âu có tập quán là tàu chiến một nước trước khi vào một cảng của nước khác phải bắn hết đạn trong nòng các khẩu đại bác để tỏ ý không thù địch. Các con tàu hồi đó tối đa chỉ được trang bị 7 khẩu pháo. Nghi thức đáp lễ của cảng là bắn 3 phát đại bác để chào mừng. Mà hồi đó nạp đạn và thuốc súng từ phía trước nòng súng, bắn rất nhiêu khê và lâu lắc, bắn chi cho nhiều.

Nghi thức chào nhau bằng đại bác này cũng được cho là xuất xứ từ Anh. Trong hai thế kỷ 17 và 18, vào thời hoàng kim của đế chế Anh, mỗi khi tiến vào cảng một nước thuộc địa Anh nào, tàu chiến Anh đều tự sướng bằng cách buộc thuộc địa đó phải bắn 21 phát đại bác chào mừng để tỏ lòng thần phục. Sau này, vụ bắn đại bác chào mừng được nhiều nước châu Âu bắt chước rồi dần trở thành một tập quán toàn cầu như một nghi thức long trọng nhất khi tiếp đón quốc khách nước ngoài.

Theo quy ước, bắn 21 phát khi đón nguyên thủ quốc gia và 19 phát khi đón người đứng đầu chính phủ. Còn vì sao lại là con số 21 thì có nhiều cách giải thích, cả về tôn giáo, tập quán lẫn tình hình thực tế lúc đó. Chủ yếu nó dựa vào 2 con số 7 và 3 vốn là những con số thiêng mà cách kết hợp 2 số này lại với nhau duy nhất tốt là nhân chúng với nhau.

Tuy nhiên, càng về sau này, người ta càng ít câu nệ cái nghi thức sặc mùi chiến tranh này nữa

Có lẽ tốt cho tất cả là ta không nên tốn thời gian thắc mắc cho chuyện bắn đại bác người này, không bắn người kia. Hơn nữa, nếu coi nhau là bạn bè đối tác thật sự, chỉ cần tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế cơ bản, điều làm vui lòng khi đến, hài lòng lúc đi chính là thái độ tôn trọng và chân thành với nhau. Đó mới là thực chất. Ngay trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ công bố sáng 12-11-2017 cũng lặp lại rằng hai nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương này tiếp tục tăng cường “quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”. Việt Nam luôn nhấn mạnh coi Hoa Kỳ là bạn bè. Mà bạn bè thì câu nệ làm gì ba cái râu ria rậm rạp vừa dễ gây ngứa ngáy, vừa dễ dính nước mắm kia chứ.

Tất nhiên, nếu khách thích thì ta cứ chiều, vui là chính thôi mà.

Kiếp này thua rồi, chớ kiếp sau nếu lỡ trở thành nguyên thủ quốc gia nào đó, tôi sẽ quyết liệt từ chối cái vụ chào đón bằng đại bác. Ai đời khách đến nhà thăm nhau mà lại đem súng đạn ra nghênh đón. Tiếng đại bác nổ, dù bắn đạn hơi mang tính nghi thức, cũng gợi nhớ chiến tranh và tạo cảm giác ghê ghê, chưa kể làm phiền bá tánh chung quanh. Chưa hết, sáng nay có một phóng viên tường thuật rằng đoàn xe chở Chủ tịch Trung Quốc đã tiến vào Phủ Chủ tịch nước ở Hà Nội trong tiếng đại bác chào mừng bắn từ khu Hoàng thành Thăng Long cách đó chừng nửa cây số và trong “mùi khói súng nồng ấm”. Giàng ạ, lần đầu tiên tôi nghe nói mùi thuốc súng nồng ấm, bởi xưa nay chỉ nghe nói mùi thuốc súng khét lẹt, nơi sực nức mùi thuốc súng và mù mịt khói súng chỉ có thể là chiến trường.

PHẠM HỒNG PHƯỚC